Khoảng 83.000 MW nguồn điện mới cần được xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian từ nay đến 2030.
Ảnh: Hải Vân
Nhu cầu năng vượt bỏ xa tăng trưởng GDP
Tại Hội thảo Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các bon tại Việt Nam hôm 12.3, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Cao Quốc Hưng cho biết: “Nhu cầu về năng lượng của Việt Nam đã tăng gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP”.
Tăng trưởng năm 2018 đạt mức 7,08%, mức cao nhất kể từ 10 năm nay. Nhưng cùng với đó là nhu cầu về năng lượng luôn ở mức cao, trên 10% vào năm 2018, sau khi đã giảm xuống dần từ mức 11% trong giai đoạn 2011-2016 và 13% giai đoạn 2005-2010.
Thứ trưởng Công thương cho rằng, nhu cầu điện tăng cao và liên tục trong nhiều năm đã tạo sức ép lớn về đầu tư phát điện và phân phối điện của quốc gia. Trong khi đó, các dự báo đều chỉ rõ từ nay đến năm 2020, GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, từ 6,5-7% mỗi một năm.
Theo Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt cho nguồn điện của cả nước lên tới 130.000 MW vào năm 2020 so với mức 47.000 MW hiện nay. Ông Hưng nói: “Khoảng 83.000 MW nguồn điện mới cần được xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian từ nay đến 2030 và cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển tải, phân phối điện”.
Việt Nam đang giành ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhằm giảm dần phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Đến cuối năm 2018 đã đưa vào vận hành, phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ, công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 212 MW. Riêng điện mặt trời tính đến cuối năm 2018 đã có 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được đưa vào quy hoạch.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2015-2020 có xét đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9.2015, cũng đưa ra mục tiêu khá cụ thể, như công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng lên từ 58.000 kWh năm 2015 sẽ tăng lên 1.101 kWh vào năm 2020 và 186.000 kWh vào năm 2030 và đạt mức 40 tỷ kWh vào năm 2050.
Để đạt các mục tiêu trên, Bộ Công thương đã ban hành các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Thứ trưởng Công thương cũng thừa nhận, việc phát triển nhanh các nguồn điện từ năng lượng tái tạo thời gian qua đang đối mặt với một số bất cập, thách thức.
Ông Cao Quốc Hưng cho biết, chi phí đầu tư cao, sản lượng điện vận hành thấp, cơ sở hạ tầng một số khu vực có tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án năng lượng mặt trời. Theo ông: “Thời gian tới, cần có một chương trình để giải quyết những bất cập này”.
Với vị trí địa lý và đường bờ biển dài, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo phong phú và đa dạng. Theo Bộ Công thương, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW năng lượng tái tạo, trong đó 20.000 MW điện gió, 3.000 MW năng lượng sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời…
Đảm bảo an ninh năng lượng
Việt Nam đang thúc đẩy các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, cho rằng, tiết kiệm điện là một giải pháp, nhưng với nhu cầu quá lớn, Việt Nam cần phát triển thêm nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu cacbon, một chủ đề mang tính tích cực. Nhất là khi Việt Nam đặt mục tiêu giảm điện than từ 53% xuống 40% và gia tăng tỷ trọng điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Nước Anh, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công suất điện gió ngoài khơi. Đến nay, 2GW đã được lắp đặt trong năm vừa qua. Anh đang hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030 trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Trong khi đó, điện gió hiện chiếm 10% thị phần năng lượng của Anh. “Điều đó có nghĩa, một mặt chúng tôi đã giảm việc dựa vào than để sản xuất điện, năm 2012 dựa tới 40% vào than nay chỉ còn dựa vào khoảng 6%” ông Gareth Ward nói.
Thêm nữa, để tiếp tục xu thế giảm điện than và tăng cấu phần của năng lượng tái tạo, theo Đại sứ Anh, Việt Nam cần tiếp tục củng cố khung pháp lý, khung chính sách, để giúp các dự án, nhất là các dự án sử dụng nguồn tiền của khu vực tư nhân, trở nên khả thi.
Vị đại sứ đến từ nước Anh cho “đây chính là thời điểm để chúng ta tiếp tục nhấn mạnh những vấn đề quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến giá điện bán lẻ, nâng cấp lưới điện… hay những vấn đề then chốt khác để giúp ngành năng lượng của Việt Nam cất cánh”.
Theo Nhịp cầu đầu tư