Dự án 1.000 tỷ được vay 700 tỷ đồng
Điều kiện để các doanh nghiệp làm điện mặt trời được hưởng giá bán 9,35 cent/kWh (mức giá cao so với nhiều nước khác) là có chứng chỉ vận hành thương mại (COD) trước ngày 30/6. Điều này tạo nên cảnh "chạy đua" tham gia đầu tư trước hạn chót của nhiều doanh nghiệp. Song hành với đó, không ít ngân hàng cũng tung ra những gói vay để tạo cơ hội cho nhà đầu tư. Hạn mức cho vay tại các nhà băng phổ biến là 70% vốn đầu tư dự án và bảo hiểm 75% sản lượng điện trong 5 năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đầu năm hợp tác thu xếp nguồn vốn tài trợ bổ sung vốn lưu độngvới TTC Energy, tài trợ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê.
VietinBank cũng công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng, tương đương 62,5% tổng vốn đầu tư cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh.
Năm 2017, Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Thừa Thiên Huế) với vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 40%, vốn vay các ngân hàng chiếm 60%.
SHB có gói cho vay đối với các dự án năng lượng tái tạo công suất không quá lớn. Cụ thể, cùng sự hỗ trợ của World Bank, ngân hàng giảm trừ trực tiếp vào lãi suất vay còn 1,5%/năm với hạn mức tối đa 80% trong 15 năm cho các dự án có công suất không quá 30 MW. Chủ đầu tư cũng được tư vấn thêm về vấn đề kỹ thuật, an toàn đập, môi trường xã hội.
Có doanh nghiệp nói rằng tiếp cận vốn ngân hàng để làm điện mặt trời không hề dễ. Ảnh minh họa.
Ngoài cho vay vốn đầu tư dự án thì nhiều ngân hàng cũng hợp tác với doanh nghiệp cho vay khách hàng dùng hệ thống năng lượng mặt trời.
Chẳng hạn, BIDV phối hợp với SolarBK đưa ra các gói giải pháp điện mặt trời hỗ trợ các hộ gia đình. Hạn mức cho vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 2-10 kWp với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm.
Tương tự, HDBank cũng cho vay doanh nghiệp đầu tư xây lắp các dự án điện mặt trời trên mái nhà, hạn mức tối đa 10 tỷ đồng, thơi hạn 5 năm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng là một trong số những nhà băng tham gia cấp vốn cho dự án điện mặt trời, đơn cử như nhà máy Phước Hữu công suất lắp đặt 65 MWp của CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang. Cụ thể, MSB cấp vốn cho Vịnh Nha Trang thông qua việc mua toàn bộ 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm do công ty phát hành với lãi suất cổ định năm đầu tiên là 10% và các kỳ tiếp theo là tổng của lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng tại MSB cộng với biên độ 3,5%/năm.
Ngân hàng phải "chọn mặt gửi vàng"
Một lãnh đạo doanh nghiệp đang đầu tư điện mặt trời tại Ninh Thuận chia sẻ làm ngành này, tiếp cận vốn từ ngân hàng không dễ. Nguyên nhân một phần đến từ việc "người người, nhà nhà" đổ tiền làm điện mặt trời nên nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn trong khi nguồn cung có giới hạn. Chưa kể, đầu tư ồ ạt song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Ở chiều ngược lại, cũng như Vietcombank, dù ủng hộ chủ trương phát triển năng lượng sạch, một số nhà băng tỏ ra khá cẩn trọng khi bỏ tiền cho vay điện mặt trời.
"Doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như vận hành các nguồn điện khác. Đặc biệt, các dự án đều phải có hồ sơ pháp lý tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường… là những cơ sở để ngân hàng chúng tôi nghiên cứu, xem xét cấp tín dụng", ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, chia sẻ vớiNgười Đồng Hành vềcác tiêu chí cho vay đối với các dự án năng lượng tái tạo, thuỷ điện vừa và nhỏ, nhiệt điện sinh thái, điện mặt trời.
Vietcombank đang cho vay 3 dự án là Srêkop 1, Srêkop 2 và BP Solar. Srêkop 1 có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Đăk Lăk. Srêkop 2 và BP Solar 1 là 2 dự án ở Phước Hữu, Ninh Thuận.
Theo lãnh đạo Vietcombank, các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng này có thể tiếp cận vốn vay lên đến 70% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tiêu chí ngân hàng đặt ra cho dự án không đơn giản: phải hoàn thành đúng tiến độ, hoà lưới điện quốc gia.
Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho biết yêu cầu về vốn đối ứng với từng dự án lại khác nhau nhưng mức phổ biến là tối thiểu 30% tổng mức đầu tư.
Ngân hàng sẽ đánh giá năng lực của chủ đầu tư, phân tích mức độ rủi ro của dự án trước khi quyết định tỷ lệ vốn đối ứng. Bên cạnh đó, khi cho vay các dự án như vậy thì ngân hàng cũng đánh giá các yếu tố trên khá kỹ càng. Dù thế, ông Thắng cho biết bởi điện mặt trời, điện gió là những lĩnh vực mới nên hiện còn nhiều hạn chế nhất định như đáp ứng về hạ tầng đấu nối, cơ chế giá… Đây cũng là những khó khăn nhất định cho ngân hàng trong quá trình thẩm định để đưa ra quyết định đầu tư, tài trợ vốn.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank, thông tin, khi cho vay, ngân hàng sẽ thẩm định theo quy trình rõ ràng và chỉ ưu tiên các dự án đấu nối vào lưới điện quốc gia. "Đấu nối là quan trọng, đó là điều kiện tiên quyết cho đầu ra của dự án vì không đấu nối thì doanh nghiệp cũng đâu có đầu tư được dự án điện mặt trời", ông Trung bày tỏ.
Lãnh đạo HDBank cho biết hiện tại, lĩnh vực điện mặt trời nhận được quan tâm của nhiều ngân hàng. Khách hàng có 2 dạng. Một là những dự án lớn cung cấp tổng thể. Hai là dự án công suất vừa hoặc điện mặt trời áp mái cho các hộ gia đình.
Hiện HDBank cho vay dự án Sao Mai PV1 công suất 210 MWp do CTCP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) làm chủ đầu tư với hạn mức 1.400 tỷ đồng, tương đương 70% tổng mức đầu tư. Trước đó, ngân hàng này cũng ký hợp đồng tín dụng với hạn mức tài trợ 760 tỷ đồng cho dự án nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận của CTCP Điện Mặt Trời Mỹ Sơn - Hoàn Lộc Việt.
Nhà băng này cũng kết hợp với ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện mặt trời Fujiwara Bình Định có công suất thiết kế 50 MWp với công ty TNHH Fujiwara Bình Định.
Ngân hàng ngoại tỏ ra dè dặt
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết hiện nay ngân hàng này có 2 dự án cho vay đầu tư điện mặt trời với quy mô vừa phải. Nói với cổ đông tại phiên họp đại hội cổ đông của ngân hàng này năm 2019, ông Hiển cho biết các dự án này đều được thẩm định đúng quy trình theo điều kiện, đánh giá tính khả thi. “Các tập đoàn lớn nước ngoài đang tha thiết vào mua dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam, nếu có rủi ro thì họ sẽ không dám đầu tư”, ông Hiển nói.
Ông cũng phân tích những năm tới, Việt Nam sẽ thiếu điện. Chính phủ khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Theo ông Hiển, vốn cho các dự án này khá đa dạng nhưng chủ yếu là vốn nước ngoài vì ngân hàng trong nước bị kiểm soát cho vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, chia sẻ với Người Đồng Hành, lãnh đạo một ngân hàng ngoại tại Việt Nam bày tỏ ngân hàng ông cũng quan tâm đến điện mặt trời, song hiện mới chuẩn bị phần cho vay khách hàng cá nhân mua thiết bị gắn pin.
Với cho vay doanh nghiệp, ngân hàng đang làm việc nhưng chưa có giao dịch nào có thể công bố. Lãnh đạo cho biết cũng như cho vay các lĩnh vực khác, tiêu chí mà hầu hết ngân hàng đặt ra cho dự án điện mặt trời là tính khả thi, có thể tồn tại, phát triển được và phía bên cho vay quản trị được các rủi ro nếu có.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, phân tích, khó khăn lớn nhất của nhiều dự án là không dễ để tiếp cận được nguồn đất sạch. Vấn đề thứ hai, theo ông, là không phải dự án nào triển khai thì sẽ được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Cuối cùng là việc bán điện.
“Ví dụ tổng lượng cung của nguồn điện khu vực đó mà nhiều hơn khả năng truyền tải lưới điện thì có khi cũng chỉ được mua đúng công suất truyền tải. Nói chung là sự không chắc chắn”, vị này nhận xét. Do đó, ông cho rằng phát triển năng lượng xanh là xu thế tất yếu nhưng khi cung ứng tài chính, các tổ chức tín dụng cũng cần tính toán hợp lý.
Trong khi các doanh nghiệp đang “đổ bộ” vào lĩnh vực điện mặt trời, năng lượng tái tạo nhằm hưởng những ưu đãi trong giai đoạn đầu của Chính phủ, các ngân hàng cũng bị cuốn vào làn sóng đầu tư này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng loạt dự án điện mặt trời đã đặt ra những lo ngại về việc quá tải công suất hệ thống.
Các chuyên gia nhận định sự bùng nổ điện mặt trời khiến việc nâng cấp hạ tầng mạng lưới điện quốc gia trở nên cấp thiết. Nếu quá trình này không theo kịp tốc độ phát triển của điện mặt trời, các dự án có thể sẽ không được hòa lưới hoặc bị sa thải phụ tải dù có hợp đồng mua bán điện (PPA). Khi đó, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có thể rơi vào bế tắc.
Theo Lê Hải
NDH