Toggle navigation
Nhiều dự án FDI lớn từ Nhật Bản "xông đất" đầu năm
13/02/2019 | 11:20 GMT+7
Chia sẻ :
Trong số 760 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và bổ sung thêm đổ vào Việt Nam trong tháng 1/2019, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã chiếm hơn một nửa con số này. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dòng vốn FDI sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2019.

Nhật Bản tiếp tục giữ ngôi đầu về vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Kyoshin, Katolec Global Logistics và Sews-Components Việt Nam II là 3 cái tên đáng chú ý trong báo cáo thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tháng 1/2019. Đó là bởi, chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam của 3 nhà đầu tư này đã lên tới 200 triệu USD, chiếm tới hơn một nửa trong tổng số 364 triệu USD vốn FDI (đăng ký mới, tăng thêm và mua cổ phần) mà Nhật Bản rót vào thị trường.

Nhật Bản tiếp tục giữ ngôi đầu

Cụ thể, Công ty TNHH Kyoshin (Việt Nam) tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD nhằm mở rộng nhà xưởng sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu. Katolec Global Logistics Việt Nam đầu tư 65 triệu USD xây dựng kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam. Hay Sews-Components Việt Nam II xây dựng nhà máy tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD.

Với 3 dự án lớn trên tổng số 5 dự án được cơ quan quản lý FDI "điểm mặt, chỉ tên" trong báo cáo đầu tư tháng 1/2019, Nhật Bản trở thành "quán quân" trong bảng xếp hạng FDI của Việt Nam, trên Hàn Quốc (349,1 triệu USD) và Trung Quốc (307,8 triệu USD). Nhật Bản tiếp tục trở thành cái tên được kỳ vọng trong năm 2019 sau khi đứng "ngôi đầu" trong năm 2018 với gần 8,6 tỷ USD.

Ông Goki Nobuta, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệpThăng Long (Vĩnh Phúc) cho biết, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn đang tăng mạnh. Tại Khu công nghiệp Vĩnh Phúc mới đây đã có 8 doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, dự kiến khi hoàn thành Khu công nghiệp đón khoảng 80 nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, sản xuất động cơ, sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy, phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác.

Trong khi đó, theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, với thành công của Nhật Bản trong đầu tư vào Việt Nam trong hơn 30 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào năm 1987, xu thế đầu tư của Nhật Bản luôn ổn định.

"Vì thế, trong năm 2019 với đà tăng trưởng và phát triển đầu tư của Nhật Bản năm 2018 vừa qua, cũng như dự báo xu thế, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2019 so với 2018 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới", ông Thắng nhận định.

Không để tuột cơ hội trong tầm tay

Ông Thắng cho rằng mặc dù, có thể vừa qua nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích về những bối cảnh không thuận của cuộc chiến tranh thương mại, lợi thế của Việt Nam và thách thức đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, trên cơ sở là đối tác toàn diện, hiệu quả và sâu rộng thì xu thế đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn tới.

Cũng cho rằng vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam sẽ tăng song chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tin rằng còn có nguyên nhân từ việc Hiệp định Đối tác kinh tế tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Bởi theo vị này, "chất" thị trường mà CPTPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam là rất lớn vì vậy cùng với việc đẩy mạnh thương mại, gia tăng đầu tư là cách mà Nhật Bản tận dụng cơ hội từ CPTPP khi Nhật Bản và Việt Nam cùng là thành viên tham gia.

Tuy vậy, để Việt Nam thực sự "đắt khách" FDI, ông Thành cho rằng những giá trị thị trường phải được đảm bảo. Đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính trong đó đi sâu vào cải cách thể chế để thực sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao. Bởi theo ông, dù trước đó rất nhiều lần Nhật Bản nhấn mạnh tới thông điệp gia tăng đầu tư tại Việt Nam khi thực hiện chiến lược đầu tư "Trung Quốc +1", Việt Nam vẫn để "tuột" nhiều cơ hội đón dòng đầu tư chất lượng từ xứ sở "mặt trời mọc".

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, ngay trong tháng 1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018. Các nhà đầu tư đã tham gia vào 18 ngành/lĩnh vực quan trọng, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, khoa học công nghệ và bất động sản... Đây là con số hết sức tích cực và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay bởi nguồn vốn đầu tư này sẽ bổ sung năng lực mới cho nền kinh tế, góp phần cho tăng trưởng.

Theo Vneconomy
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com