VietinBank vừa đấu giá thành công hơn 15 triệu cổ phiếu Saigonbank. Ảnh: THÀNH HOA
Ồ ạt thoái vốn
Ngày 19-4 vừa qua, VietinBank đã đấu giá thành công hơn 15 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cho ba nhà đầu tư cá nhân, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,91% vốn. Tổng giá trị cổ phần bán được hơn 305,5 tỉ đồng, với giá đấu thành công bình quân là 20.204 đồng/cổ phần. Trước đó, hồi năm 2016, VietinBank cũng đã bán gần 17 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn của Saigonbank, với mức giá khởi điểm 10.800 đồng/cổ phần.
Có thể thấy trong hai năm trở lại đây, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh thoái dần các khoản đầu tư góp vốn, như Vietcombank đã thoái vốn lần lượt ở OCB, Saigonbank, Eximbank và MBBank; Agribank thoái vốn khỏi OCB hay BIDV cũng thoái bớt các khoản góp vốn liên doanh với các định chế nước ngoài.
Không chỉ thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng (TCTD), các ngân hàng cũng liên tiếp thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành. Đơn cử như Techcombank thoái vốn khỏi Vietnam Airlines, Agribank thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) và Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC), hay gần đây hơn có ACB cũng muốn thoái hết vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Thủy tạ.
Hoạt động thoái vốn của các ngân hàng diễn ra ồ ạt trong thời gian qua, ngoài việc muốn tận dụng thị trường chứng khoán đang trong thời điểm thuận lợi, thì còn nhằm đáp ứng những quy định về sở hữu chéo ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong đề án tái cấu trúc toàn ngành ngân hàng, bên cạnh mục tiêu xử lý nợ xấu và nâng cao nguồn thu nhập phi tín dụng.
Đứng ở góc độ mỗi ngân hàng, hoạt động thoái vốn còn giúp tái cấu trúc tài chính, tập trung vào những hoạt động cốt lõi, theo đề án tái cơ cấu của mỗi ngân hàng đã được NHNN thông qua. Rõ ràng việc góp vốn đầu tư quá nhiều không chỉ đối mặt với rủi ro mà còn khiến ngân hàng phải phân tán nguồn lực, trong nhiều trường hợp làm giảm hiệu quả hoạt động.
Để cải thiện hệ số CAR...
Hoạt động thoái vốn của các ngân hàng diễn ra ồ ạt trong thời gian qua, ngoài việc muốn tận dụng thị trường chứng khoán đang trong thời điểm thuận lợi, thì còn nhằm đáp ứng những quy định về sở hữu chéo ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong đề án tái cấu trúc toàn ngành ngân hàng, bên cạnh mục tiêu xử lý nợ xấu và nâng cao nguồn thu nhập phi tín dụng.
Điều quan trọng hơn là với lộ trình nâng cao các tỷ lệ an toàn vốn, trong khi việc tăng vốn tự có còn gặp nhiều khó khăn, thì thoái vốn là một trong những giải pháp giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng.
Cụ thể, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành vào cuối năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, có đến năm khoản mục bị giảm trừ khi tính vốn tự có, gồm: (1) các khoản cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần tại TCTD khác; (2) các khoản góp vốn, mua cổ phần tại TCTD khác; (3) các khoản góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng; (4) phần góp vốn, mua cổ phần của một doanh nghiệp, một quỹ đầu tư sau khi đã trừ các khoản mục (2) và (3) nói trên, vượt mức 10% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng; (5) tổng các khoản góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư sau khi trừ đi các khoản mục (2), (3) và (4) nói trên, vượt mức 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.
Nhìn chung các ngân hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn để tăng vốn tự có trong suốt thời gian qua, do nguồn lực của các cổ đông trong nước bị giới hạn. Họ buộc phải tìm đến các cổ đông chiến lược nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn tiếp ở các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Như trường hợp của VietinBank nói trên, trong khi Vietcombank và BIDV có cơ hội bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài gần đây, thì con đường tăng vốn của VietinBank đến lúc này vẫn khá mờ mịt, trong khi câu chuyện phải duy trì tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động tăng vốn của ngân hàng này trong nhiều năm qua.
Trong hoàn cảnh đó, các ngân hàng phải tìm đến con đường phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá kỳ hạn dài để cải thiện vốn tự có cấp 2. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì theo quy định, vốn tự có cấp 2 cũng không được vượt quá 100% vốn cấp 1, trong khi giá trị các giấy tờ có giá để tính vốn tự có cũng sẽ bị chiết khấu dần theo kỳ hạn còn lại. Do đó, tăng vốn điều lệ mới là giải pháp bền vững và có tính căn cơ.
Trong khi việc tăng vốn khó khăn thì các yêu cầu để tính tỷ lệ an toàn không ngừng được nâng lên. Mới đây NHNN lại ban hành dự thảo thông tư sửa đổi các quy định tỷ lệ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, trong đó, ngoài việc yêu cầu giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn, thì một yêu cầu khác, cũng gây chú ý, là khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ có hệ số rủi ro tăng mạnh từ 50% lên 150%.
Điều này đồng nghĩa với việc tổng tài sản có rủi ro của các ngân hàng khi tính toán lại cũng có thể tăng lên đáng kể, khi mà thời gian qua nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho khách hàng cá nhân vay mua/xây dựng nhà với không ít khoản vay có giá trị hơn 3 tỉ đồng, nhưng lại đưa vào mục cho vay tiêu dùng nhằm tránh hệ số rủi ro đến 250% áp cho các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
Vì vậy, trong khi thời hạn thực hiện Thông tư 41 ngày càng đến gần, việc tính toán hệ số CAR theo chuẩn Basel 2 có thể đẩy hệ số này tại nhiều ngân hàng giảm mạnh, thậm chí về dưới ngưỡng quy định 8% theo thông tư mới, thì quyết định thoái vốn sẽ phần nào giúp các ngân hàng cải thiện vốn tự có khi giảm bớt các khoản mục bị tính giảm trừ như đã phân tích ở trên, từ đó bảo đảm hệ số CAR vẫn đáp ứng trên mức quy định.
Theo Thụy Lê
Thời báo Kinh tế Sài Gòn