Tình hình sản xuất - kinh doanh các khu vực diễn biến tích cực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng tốt. Ảnh: Đ.T
Mừng - lo kinh tế 2 tháng đầu năm
Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm tiếp tục cho thấy, nền kinh tế vẫn đang diễn biến tích cực. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ khẳng định trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, diễn ra vào cuối tuần qua.
Các con số được nhấn mạnh, đó là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (2,6% so với 2,9%); thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất được giữ vững; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ trong 2 tháng, đã có 8,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Trong khi đó, vốn giải ngân ước đạt 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình sản xuất - kinh doanh các khu vực diễn biến tích cực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt. Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,5%.
Về du lịch, trong 2 tháng đầu năm, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng khá mạnh, ước đạt trên 3 triệu lượt. Đặc biệt, trong tháng 2, con số này là gần 1,59 triệu lượt khách, đạt kỷ lục về thu hút khách quốc tế tính theo tháng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng vẫn giữ đà tăng trưởng, đạt 73,44 tỷ USD.
Những con số trên rõ ràng cho thấy, nền kinh tế đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đây là điều đáng mừng. Tuy vậy, phân tích kỹ các chỉ số kinh tế vĩ mô, lại thấy những yếu tố khó khăn bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là việc tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa được như kỳ vọng. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Chưa kể nhập siêu đã bắt đầu quay trở lại, với con số ước tính của 2 tháng là 84,5 triệu USD…
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh dấu hiệu này, dù con số nhập siêu còn ở mức thấp. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới các tồn tại, thách thức của nền kinh tế khi mà giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn giảm, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh.
Và vào đúng thời điểm Việt Nam công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm, Nikkei cũng công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI). Theo đó, PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 51,9 điểm trong tháng 1 xuống còn 51,2 điểm trong tháng 2. Mặc dù vẫn nằm trên ngưỡng trung bình 50 điểm, nhưng chỉ số này đã giảm 3 tháng liên tiếp và kết quả của tháng 2 là thấp nhất kể từ tháng 3/2016. Và đây là điều đáng lo.
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế 2019?
Có vẻ như, những thách thức, khó khăn của kinh tế 2019 vẫn còn rất lớn, do vậy, xu hướng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng. Chính vì thế, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, tăng trưởng GDP quý I/2019 có thể chỉ đạt 6,58%. Nếu đối chiếu với kịch bản tăng trưởng lần 1 được xây dựng vào cuối tháng 11/2018, thì tốc độ tăng trưởng này còn thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý I của kịch bản theo phương án thấp (6,76%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên các chỉ số kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm, cũng đã cập nhật kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế năm 2019. Theo đó, ở phương án cao, quý I tăng trưởng 6,58%; quý II là 6,77%; 6 tháng là 6,99%; quý III tăng trưởng 7,13%; 9 tháng là 6,85%; quý IV là 6,7%, còn cả năm là 6,8%. Còn ở phương án thấp, các con số tương ứng là 6,58%; 6,55%; 6,56%; 6,89%; 6,69%; 6,4% và 6,6%.
“Như vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả ở trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh để các quý còn lại của năm 2019 trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 cũng đã chỉ đạo, phải tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. “Phải huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm nỗ lực cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng kịch bản đã đề ra. Đặc biệt, ngay từ tháng 3, các bộ, ngành phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế.
Theo Hà Nguyễn
Báo Đầu tư