Toggle navigation
Lúa đông xuân chín rục ngoài đồng: Chỉ còn biết chờ Chính phủ “ra tay”
22/02/2019 | 08:48 GMT+7
Chia sẻ :
Những nông dân canh tác lúa đông xuân - vụ lúa chính trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - đang đứng ngồi không yên. Hàng chục ngàn héc ta lúa đã đến thời điểm thu hoạch vẫn chưa có thương lái đến mua

Rất cần Chính phủ sớm triển khai chương trình tạm trữ lúa gạo. Trong ảnh, nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Gặp khó ở thị trường lớn, lúa chín chờ người mua

Kết thúc năm 2018, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 300.000 tấn so với năm trước đó, giá bán bình quân cũng tăng gần 11%. Nhờ vậy, giá lúa IR 50404 tươi trong vụ đông xuân 2017-2018 được thương lái mua 5.500-5.600 đồng/ki lô gam và nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL năm vừa qua rất phấn khởi.

Nhưng nay sự phấn khởi đã biến mất và thay vào đó là bầu không khí ảm đạm. Bước sang vụ đông xuân 2018-2019 này, giá lúa IR 50404 đã rớt thê thảm, xuống chỉ còn 4.300-4.400 đồng/ki lô gam đối với lúa tươi, thậm chí thương lái còn từ chối mua lúa của nông dân. Ở Tiền Giang, Long An... hiện có đến hàng chục ngàn héc ta lúa của nông dân đã “chín rục” nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Ông Trần Văn Dũng, ngụ xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, cho biết thời điểm trước Tết Nguyên đán 2019, lúa IR 50404 tươi còn được thương lái đặt cọc mua với giá 4.600 đồng/ki lô gam. “Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dù đã giảm xuống chỉ còn 4.300 đồng nhưng vẫn không ai mua”, ông nói trong tâm trạng lo lắng khi nhìn 2 héc ta lúa đã chín vàng của gia đình.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, nói: “Đó là phản ánh đúng thôi”. Ông dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và cho biết đây là tình hình khó khăn chung của các nước xuất khẩu vì dù thế giới tiếp tục không được mùa (giảm gần 4 triệu tấn) nhưng nguồn cung lúa gạo lại không giảm do dự trữ tăng mạnh (đạt gần 162 triệu tấn), trong khi thương mại không có đột biến, chỉ tương đương năm 2018, tức khoảng 45 triệu tấn.

Theo ông Bích, trong các nước xuất khẩu gạo thì Việt Nam là gặp khó nhiều nhất vì Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam - tiếp tục thắt chặt nhập khẩu.

Còn với các thị trường Đông Nam Á mà chủ yếu là Philippines, Malaysia, Indonesia thì khả năng Indonesia sẽ không tiếp tục nhập khẩu gạo trong năm 2019 còn Philippines không có thay đổi gì nhiều so với năm 2018. “Như vậy, với bốn thị trường nhập khẩu gạo ở châu Á chủ yếu của Việt Nam, mà có hai thị trường khó khăn (Trung Quốc và Indonesia), thì chắc chắn Việt Nam gặp khó”, ông nhận định và cho rằng việc thương lái không mua lúa của nông dân hiện nay đã phản ánh đúng hiện trạng thị trường ấy.

Chỉ còn biết chờ Chính phủ

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV, cho rằng bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm rơi vào đúng thời điểm khu vực ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm (vụ đông xuân). Trong khi đó, thương nhân kinh doanh lúa gạo Việt Nam lại không có đủ tiềm lực về tài chính, cho nên không thể mua lúa tạm trữ cho nông dân được.

Chính vì vậy, theo đề xuất của ông Thành, Chính phủ nên nhanh chóng có quyết định để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt thông qua chương trình mua lúa tạm trữ như đã từng thực hiện. “Chính phủ phải có động thái này thì bà con nông dân mới bình tĩnh, hàng xáo cũng tranh thủ đi mua cho bà con nông dân và các nhà kho cũng bỏ tiền ra mua vào”, ông cho biết và nói rằng điều này sẽ giúp “phá vỡ” bế tắc trong ngành lúa gạo hiện nay.

Ông đề nghị cụ thể hơn: Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay mua lúa gạo tạm trữ với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất (lãi suất được Nhà nước hỗ trợ). “Khi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vốn vay, thì thứ nhất, đây sẽ là động thái giúp doanh nghiệp không sợ rủi ro về lãi suất, thứ hai, có khả năng về tài chính để tạm trữ, chứ nếu không doanh nghiệp sẽ rất ngại”, ông cho biết.

Ông Thành nhận định, nếu được Chính phủ hỗ trợ lãi suất thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ sẵn sàng vào cuộc, bởi doanh nghiệp cũng có lợi vì vừa được hưởng lãi suất ưu đãi vừa có nguồn hàng tạm trữ để có thể ký hợp đồng xuất khẩu trong sáu tháng hoặc cả năm. 

Chiều 19-2, làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một số chỉ đạo để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân “theo nguyên tắc thị trường, chứ không phải phi thị trường”.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo theo chương trình dự trữ quốc gia năm 2019, đồng thời sẽ sớm mua thêm 100.000 tấn gạo nữa để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Như vậy, đề xuất nhà nước hỗ trợ lãi suất vay tín dụng để doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, như trước đây từng làm, đã không được nhắc đến trong chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com