Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc bất ngờ tăng rất mạnh tính từ đầu năm nay, điều này một mặt tạo nguồn lực phát triển kinh tế nhưng nó cũng gây sức ép không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa
Trung Quốc đã tăng cường giám sát hoa quả nhập khẩu thông qua những quy định khắt khe hơn. Ảnh: T.H
Vươn lên đầu bảng
Báo cáo kinh tế quí 1 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho thấy lượng vốn FDI mới đăng ký đạt mức 3,82 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn 723,2 triệu đô la Mỹ. Các vị trí tiếp theo thuộc về Singapore (690,8 triệu đô la), Hàn Quốc (547,3 triệu đô la), Nhật Bản (471,5 triệu đô la)...
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một phần nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển này”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói tại hội thảo về kinh tế quí 1 vừa diễn ra mới đây.
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam quí 1 năm nay đến từ hai nguồn, theo CIEM. Nguồn thứ nhất từ các nhà đầu tư tiềm năng đang cân nhắc đổ vốn vào Việt Nam hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển sang Việt Nam không chỉ vì thương chiến Mỹ - Trung mà còn vì mặt bằng chi phí nhân công tăng cao, tín dụng thắt chặt và tình hình nợ doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc.
Theo ông Dương, không ít các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến này. Song, thẳng thắn mà nói, bản thân Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư với vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định và chi phí nhân công còn khá cạnh tranh. Đặc biệt, việc tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua một loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giúp Việt Nam có sức hút hơn trong mắt doanh nhân quốc tế, trong đó có Trung Quốc, nước đang mong muốn được tham gia thỏa thuận thương mại này.
Dòng vốn đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam còn bắt nguồn từ sự “hụt hơi” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo VERP, quí 4-2018, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 6,4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, kéo tụt tốc độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,6%, thấp nhất trong 28 năm qua. Tăng trưởng kinh tế của siêu cường này có thể sụt giảm xuống còn 6,3% trong năm 2019 dưới áp lực từ cuộc thương chiến với Mỹ.
Sang quí 1-2019, đầu tư toàn xã hội của Trung Quốc tăng lên 6,1%, từ mức 5,9% của quí trước đó, nhưng đầu tư tư nhân lại giảm xuống còn 7,5%, từ mức 8,7% của quí 4-2018. Tăng trưởng công nghiệp cũng giảm mạnh xuống còn 5,3% trong tháng 2. Đây có thể là dấu hiệu báo hiệu hoạt động sản xuất của nước này đang bất ổn.
Căn cứ điểm hàng hóa của Trung Quốc
Theo CIEM, hiện nay, Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam trên nhiều phương diện, đa dạng về cách thức. Năm 2017, quy mô mỗi dự án của quốc gia này đạt 5 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm. Điều đáng lưu ý là dòng vốn từ Trung Quốc chủ yếu dịch chuyển vào các ngành thâm dụng lao động như dệt may và chế biến kim loại.
FDI từ Trung Quốc một mặt tạo nguồn vốn phát triển kinh tế, song mặt khác, theo ông Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của VERP, doanh nghiệp nước này tràn vào thị trường nội địa sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh tốt, lợi ích mang lại từ FTA mà Việt Nam vất vả đàm phán lại dành cho doanh nghiệp nước láng giềng”.
Hơn nữa, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trên thế giới khiến dòng vốn này có thể gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường. Thực tế, nhiều dự án FDI của Trung Quốc đã gây tai tiếng về môi trường không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới.
Một điểm quan trọng mà ông Thế Anh nhấn mạnh là dòng vốn FDI của quốc gia láng giềng này có thể làm tình trạng nhập siêu của Việt Nam thêm trầm trọng. “Doanh nghiệp Trung Quốc thường nhập khẩu máy móc, nguyên liệu từ nước họ sang Việt Nam sản xuất, sau đó xuất khẩu đi nước khác. Khi đó, cán cân thương mại càng thiên lệch về phía nước láng giềng”, ông Thế Anh nói.
Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo, dòng vốn FDI và thương mại tăng đột biến từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành cứ điểm hàng hóa của nước này để xuất khẩu sang Mỹ hoặc châu Âu. Điều này có thể khiến Việt Nam vi phạm cam kết về xuất xứ hàng hóa và có thể bị phía Mỹ kiện chống bán phá giá, trợ cấp.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hứa hẹn những cơ hội tích cực nếu Việt Nam có thể nắm bắt. Nhưng thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất. Hơn nữa, nền kinh tế nội địa cũng không có lợi thế quy mô như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Trước làn sóng dịch chuyển sản xuất, làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Thế Anh cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI, nhằm tạo môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước”.
Có một góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Anh Dương (CIEM) cho rằng Việt Nam không nên quá quan trọng nhà đầu tư đó xuất phát từ Trung Quốc hay từ bất cứ nước nào, bởi việc tìm nguồn gốc nhà đầu tư là không đơn giản. Họ có thể đầu tư thông qua thị trường thứ ba có hiệp định đầu tư với Việt Nam. “Chúng ta cần xác định học gì, học như thế nào và trong bao lâu từ doanh nghiệp FDI? Trên cơ sở đó, nhà đầu tư nước ngoài có nguồn gốc ở đâu không phải là yếu tố quyết định”, ông Dương nói.
Từ quá trình dịch chuyển dòng vốn dưới áp lực thương chiến giữa hai cường quốc, GS.TS. Nguyễn Quang Thái - chuyên gia kinh tế, cho rằng cần phải phân tích xu hướng này “cực kỳ thận trọng”, bởi về cơ bản, đây là cuộc “mặc cả” giữa hai cường quốc, nếu không khéo Việt Nam có thể là nước phải chịu hy sinh lợi ích.
Lựa chọn một phương thức tốt nhất trước cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc này, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế và xã hội quốc gia, cho rằng Việt Nam cần phải tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo ra được mô hình tăng trưởng kinh tế, mà ở đó kinh tế tư nhân phải phát triển mạnh hơn.
Doanh nghiệp FDI tiếp tục đứng đầu về giá trị xuất khẩu
Báo cáo kinh tế quí 1 của VERP nhận định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,79% trong quí 1-2019, thấp hơn so với con số kỷ lục của năm 2018 (7,45%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ba tháng đầu năm đạt 57,51 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước với ba thị trường đứng đầu bảng là Mỹ (13 tỉ đô la Mỹ), EU (10,2 tỉ đô la Mỹ), và Trung Quốc (7,6 tỉ đô la Mỹ). Trong đó, doanh nghiệp FDI tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu trong quí đầu tiên với 41,46 tỉ đô la Mỹ.
Dù là thị trường thứ ba của Việt Nam nhưng với quy định ngày càng khắt khe, đặc biệt là đối với hàng nông sản, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo VERP, Trung Quốc đã tăng cường giám sát hoa quả nhập khẩu thông qua những quy định khắt khe hơn như hoa quả phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu quí 1 của Việt Nam ước tính đạt 57,98 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng nội tệ Trung Quốc có xu hướng giảm giá trước tác động của thương chiến Mỹ - Trung là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh trong quí 1, theo VERP.
Theo Vũ Dung
Thời báo Kinh tế Sài Gòn