Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng trưởng chậm lại là một thách thức với mục tiêu tăng trưởng cả năm. Ảnh: Đức Thanh
Mô hình tăng trưởng chưa là động lực bứt phá
26 là số lần cụm từ “nút thắt” và “điểm nghẽn” được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận tại nghị trường diễn ra trong 1,5 ngày vào cuối tuần qua. Các ý kiến đề cập bao trùm nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao với 9 chỉ tiêu vượt, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn nhấn mạnh: “Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá và đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực”.
Phân tích sâu hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhưng khi đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực còn có những yếu tố thiếu bền vững, như đơn vị kinh tế quy mô nhỏ lẻ còn nhiều, đất sản xuất còn phân tán và manh mún, hoạt động sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào, thay vì đổi mới công nghệ.
Cho rằng, báo cáo của Chính phủ như vậy là “thẳng thắn”, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), cũng nhấn mạnh sự “chưa đổi mới” của mô hình tăng trưởng, thậm chí còn tiềm ẩn “một số yếu tố chưa bền vững”, nên tăng trưởng GDP quý I/2019 chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
“Có những lĩnh vực là động lực chính, quan trọng cho tăng trưởng năm 2018 đang giảm tốc, như sản xuất điện thoại, linh kiện. Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn nhiều so với năm trước. Thu hút khách du lịch nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ. Như vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng bền vững là bài toán căn cơ cần phải đặt ra”, ông Hàm nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lại nhắc đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mới có tăng lên, đặc biệt là luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư theo kiểu "tiền tươi thóc thật" của cả khu vực kinh tế trong nước lẫn FDI đang chậm lại để nhấn mạnh những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt.
“Xu hướng này sẽ khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay vẫn là một thách thức không nhỏ”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng, tốc độ cải cách thể chế vẫn còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng, cho dù “có tiến bộ so với chính mình”, nhưng vẫn chưa khép lại được khoảng cách với bạn bè cũng như đối tác trong cuộc đua toàn cầu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Minh chứng là năm 2018, Việt Nam đã tụt hạng trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Trong khi đó, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) dù khẳng định, với sự điều hành của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng vẫn không khỏi băn khoăn khi ngân sách có tăng, nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất không phải thu từ sản xuất - kinh doanh. “Đây là những con số tăng trưởng không bền vững”, ông Thế nhấn mạnh.
Tạo thể chế thông thoáng
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tăng trưởng GDP 6,8%, lạm phát kiểm soát dưới 4%.
Song câu hỏi đặt ra là làm sao đạt mục tiêu này, cũng như làm sao để nền kinh tế có thể bứt phá trong thời gian tới?
“Chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019 và yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có các đối sách, phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Tại hội trường Quốc hội, Chủ tịch VCCI, với cương vị là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cũng đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp nêu lên mong muốn này. Ông Lộc đề nghị, giao các tổ chức độc lập, các hiệp hội doanh nghiệp, địa phương, cơ sở tiến hành rà soát tổng thể môi trường kinh doanh để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tập trung khắc phục ngay những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, trong hệ thống pháp luật mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập.
Trong từng bộ, ngành, ông Lộc đề nghị giao rà soát cắt giảm thủ tục hành chính cho các bộ phận độc lập, thay vì để các cơ quan trực tiếp cấp giấy phép tiến hành rà soát và đề xuất cắt giảm giấy phép theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi như hiện nay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại đặc biệt nhấn mạnh đến câu chuyện cải cách thể chế. Ông Ngân thậm chí còn cho rằng, Quốc hội nên có buổi thảo luận về vấn đề thể chế, vì thể chế hiện chưa đồng bộ và hoàn thiện, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, cần tập trung giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất là phát triển doanh nghiệp. Thứ hai là nâng cao chất lượng lao động. Và thứ ba là giải quyết các vấn đề về thu ngân sách, bởi hiện nay, thu ngân sách không bền vững, thu từ đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn, một số khoản thu từ sản xuất - kinh doanh gần đây không đạt dự toán.
“Doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, tạo ra động lực để tăng trưởng. Nhưng số liệu doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai, chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi. Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn”, ông Hàm nói.
Theo Kỳ Thành
Báo Đầu tư