Toggle navigation
Kinh tế 4 tháng đầu năm 2019: Lộ sáng nhiều thách thức
04/05/2019 | 08:32 GMT+7
Chia sẻ :
Khi các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm được công bố, càng thấy rõ những thách thức với nền kinh tế, buộc chúng ta phải lường trước các khó khăn và có giải pháp điều hành cho phù hợp.

Cần có giải pháp điều hành cho phù hợp để thực hiện được các mục tiêu kế hoạch của năm bứt phá 2019, từ đó tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam những năm tiếp theo.

Thách thức đó trước tiên đến từ áp lực lạm phát cho dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,31% so với tháng 3/2019 và CPI bình quân 4 tháng là 2,71%, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Những con số này cho thấy, ở thời điểm hiện tại, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, song nhìn trong cả năm, đây vẫn là một biến số rất khó lường.

Khó lường vì trong khi giá điện tăng đã được lượng hóa, thì giá xăng dầu tăng bao nhiêu, như thế nào lại đang là ẩn số. Hiện giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao, nhiều dự báo cho rằng, có thể ngay trong những ngày đầu tháng 5 này, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Trên thị trường thế giới, cũng đã có những dự báo nhắc đến con số 100 USD/thùng dầu. Nếu vậy, không những kinh tế nói chung bị ảnh hưởng, mà giá cả thị trường, tình hình lạm phát cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.

Trong bối cảnh đó, giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ sở vẫn đang trong lộ trình điều chỉnh, chỉ chờ thời điểm quyết định. Dường như, “thời điểm” đó đã bắt đầu được xác định, khi Hà Nội vừa điều chỉnh giá gần 2.000 dịch vụ y tế. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới diễn biến chỉ số CPI tháng 5 và tác động tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Việt Nam trong năm nay.

Không chỉ là lạm phát, các áp lực, thách thức với nền kinh tế còn đến từ dấu hiệu sản xuất, xuất nhập khẩu. Qua 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018. Con số này tuy vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, song lại thấp hơn mức tăng 10,7% cùng kỳ năm 2018. Điều này chắc chắn tác động đến tăng trưởng GDP, ít nhất là trong quý II này.

Trong khi đó, xuất khẩu của tháng 4/2019 đã giảm tới 12,6% so với tháng 3/2019; tính chung 4 tháng, mức tăng chỉ là 5,8%. Nhập siêu cũng bắt đầu quay trở lại, khiến cán cân thương mại của cả nước trong 4 tháng chỉ còn 711 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 3,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây, là điện thoại và linh kiện đã chững lại, thậm chí trong 4 tháng qua giảm 0,2% so với cùng kỳ, dù vẫn đạt 16 tỷ USD. Trong đó, một điều không thể không nhắc tới, là giá trị sản xuất linh kiện điện thoại đã giảm tới 24,6% trong 4 tháng đầu năm nay. Điều đó không chỉ khiến giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh giảm tới 11,9% so với cùng kỳ, mà cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

Nhắc đến con số trên, để thấy rằng, đúng như nhận định đã được đưa ra ngay từ đầu năm, các động lực tăng trưởng đến từ việc gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất lớn như Samsung, Formosa sẽ không còn được như những năm trước. Đây là thách thức vô cùng lớn của nền kinh tế.

Vượt qua những thách thức này như thế nào là chuyện đáng quan tâm. Trông vào đâu để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế cũng là việc không thể không bàn tới.

Một cách thẳng thắn, cũng phải thấy rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong xu thế tích cực, khi sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng khá cao, khi kinh tế vĩ mô ổn định, khi thu hút đầu tư nước ngoài tích cực… Thậm chí, ngay ở thời điểm này, rất nhiều dự báo lạc quan cho rằng, với nỗ lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, với nhiều biện pháp thúc đẩy khu vực tư nhân mà Diễn đàn Kinh tế tư nhân khai mạc ngày hôm qua (2/5) là ví dụ điển hình, thì nền kinh tế Việt Nam có đủ các nhân tố để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Tuy vậy, khi các dấu hiệu khó khăn, thách thức ngày càng lộ rõ, thì ngay lập tức, cần có giải pháp điều hành cho phù hợp để làm sao thực hiện được các mục tiêu kế hoạch của năm bứt phá 2019, từ đó tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam những năm tiếp theo.

Theo Hà Nguyễn
Báo Đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com