Không gây phương hại... để bớt phải rút kinh nghiệm
Cuối cùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tuần rồi đã bày tỏ quan điểm: “Đưa ra quy chuẩn của nước mắm công nghiệp áp cho tất cả các loại nước mắm truyền thống là rất dở” (Pháp luật TPHCM 14-3-2019). Hy vọng rằng câu chuyện về tiêu chuẩn nước mắm sẽ chấm dứt ở đây sau hai lần làm dậy sóng dư luận, buộc Văn phòng Chính phủ phải lên tiếng.
Thiết tưởng trước khi khép lại câu chuyện cũng cần rút kinh nghiệm để đừng phải rút tiếp... sợi dây kinh nghiệm, nói theo cách nói dân gian, không chỉ trong “hạng mục” này mà còn cho các “hạng mục” khác. Đơn giản vì xã hội đang chuyển biến rất nhanh, nhanh hơn suy nghĩ của không ít viên chức trong bộ máy công vụ cứ ngỡ rằng xã hội kém “hiểu biết” hơn mình, nên có thể cứ trì trệ và làm sâu đậm thêm tính thư lại quan liêu.
Trong khi Chính phủ gần đây nói nhiều về “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và ra sức thúc đẩy bộ máy nhà nước chuyển động, thì trong xã hội không ít người dân đã tự mình nhảy lên con tàu kỹ thuật số đó rồi. Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, ngày 20-9 năm ngoái, rằng “người dân đã quen với môi trường điện tử, môi trường mạng”(1), phản ánh thực tế sinh động đó. Khi người dân đã ở trên con tàu kỹ thuật số, điều đó có nghĩa là đã có khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn, đồng thời chia sẻ, trao đổi thông tin và hiểu biết nhiều hơn. Thế cho nên, người dân ngày càng có khả năng nhìn và thấy, nhận ra và hiểu rõ những gì mà cơ quan này hay cơ quan kia định làm, muốn làm hoặc đang làm.
Andrea Bonicatti trong bài viết “Kinh tế thị trường và bình đẳng” đã nhận xét: “Trên khắp thế giới, có vô số ví dụ về các hệ thống hoạt động nhân danh kinh tế thị trường song lại xa vời ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này hơn hết. Bất kỳ trường hợp tham nhũng nào, lợi ích thân hữu, thỏa thuận mờ ám, thao túng chính trị bởi các lợi ích đặc biệt, đều là kẻ thù của thị trường tự do, vì chúng vi phạm cả nguyên tắc không gây hại (non-harm policy) và nguyên tắc bình đẳng, bằng cách ban phát đặc biệt không dựa trên giá trị thực, đồng thời loại bỏ những người xứng đáng với các ban phát đó - và cho phép một vài cá nhân quyết định cho người khác - do đó tước đi quyền tự do lựa chọn của người khác”.
Từ khóa của đoạn trên là “nguyên tắc không gây hại và nguyên tắc bình đẳng”. Đây là một viện dẫn khái niệm “nguyên tắc gây hại”(harm-policy) của John Stuart Mill trong “Bàn về tự do”: “Mục đích duy nhất để quyền lực có thể được thực thi một cách chính đáng đối với bất kỳ thành viên nào trong một cộng đồng văn minh, là nhằm ngăn chặn gây tổn hại cho người khác, trái với ý muốn của người ấy”(2). Người dân của cuối thập niên thứ nhì của thế kỷ 21 - bất luận học vấn cao thấp - thừa khả năng cảm nhận điều gì phương hại hay không phương hại đến họ hoặc tốt hơn nữa là vì họ. Cảm nhận là một điều “tự nhiên”, không cấm cản được, bởi thế sau này các tổ chức của Liên hiệp quốc và quốc tế mới hay thăm dò dư luận, “cân đong” và đúc kết thành những nghiên cứu cảm nhận về điều này hay điều kia, tỉ như cảm nhận về mức độ hài lòng, cảm nhận về tham nhũng... Tất cả dựa trên nền tảng “nguyên tắc gây hại” hay “không gây hại” nêu trên.
Thiết tưởng “nguyên tắc gây hại” (và “không gây hại”) không chỉ để làm nền tảng đo lường xã hội, công bố các “bảng xếp hạng” rồi thôi, mà còn là, nếu không nói nhất là, để các viên chức, cơ quan này nọ nhìn vào đó như một kim chỉ nam trong hoạch định chính sách và thực hiện. Từ đó, dễ hiểu chi tiết sau trong mẩu tin trên của báo Pháp luật TPHCM: “Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống”.
“Không để ảnh hưởng tiêu cực tới...” chính là “không gây phương hại” (non-harm policy) mà Andrea Bonicatti đã nhắc đến, và trước đó từ thế kỷ 19 John Stuart Mill đã chỉ ra cho mọi người.
Nằm lòng kim chỉ nam “không gây phương hại” để lần hồi bớt đi thói quen “rút kinh nghiệm”.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn