Quan sát những tranh cãi chung quanh một số văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành gần đây, có thể thấy nổi lên một vấn đề. Dường như các cơ quan này đang lúng túng trong quản lý nhà nước đối với hai đối tượng khác nhau: một bên là sản xuất lớn, quy mô công nghiệp; một bên là sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, làng nghề truyền thống.
Lẽ ra Danh mục 2019 đã có thể được xem là một bước tiến nhảy vọt trong đơn giản hóa công tác quản lý nhà nước. Ảnh minh họa Thành Hoa
Lấy ví dụ Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”. Những người phê phán sự thiếu sót của thông tư này hoàn toàn có lý khi chỉ ra những loại thức ăn chăn nuôi rất phổ biến trong tập quán của người dân Việt Nam mà lại không được liệt kê trong danh mục, tức không được phép lưu hành.
Còn gì vô lý hơn khi thức ăn cho heo không có chuối cây, bèo; cho thỏ không có cà rốt... hay liệt kê theo kiểu “Thức ăn có nguồn gốc từ thủy sản” thì có “bột đầu tôm, bột vỏ tôm” vậy “bột thịt tôm” có được lưu hành hay không?
Thiết nghĩ những người biên soạn văn bản này hoàn toàn biết rõ chăn nuôi hộ gia đình tận dụng hết mọi loại thức ăn cho heo, gà; có lẽ nhiều người lớn lên đã từng chứng kiến cảnh bố mẹ xắt chuối cây, băm nhỏ cho heo ăn. Vì sao họ vẫn biên soạn một thông tư khi biết rõ nó không đi vào thực tế được?
Nay Danh mục 2019 không còn một chút xíu gì dấu vết của một hàng rào kỹ thuật, một hàng rào bảo vệ an toàn thức ăn gia súc, một sự bao quát đến tập quán của người dân chăn nuôi nhỏ lẻ.
Truy nguyên nguồn gốc lịch sử của những văn bản như thế này, chúng ta sẽ thấy ban đầu chúng được ban hành nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, tiền thân của Thông tư 02/2019 là “Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam” năm 2006, tức đối tượng áp dụng là hàng nhập khẩu chứ không liên quan gì đến hàng trong nước.
Sau khi Việt Nam vào WTO, các cam kết đối xử quốc gia không cho phép Việt Nam quy định đối xử với hàng nhập khẩu có tính phân biệt so với hàng trong nước, thế nên “Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam” năm 2012 chỉ tồn tại một thời gian rồi bị thay thế bởi danh mục trong Thông tư 02 này, áp dụng chung cho cả hàng nhập và hàng trong nước.
Từ đó mục tiêu lập ra những hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu hầu như không còn thấy ở đâu nữa; nội dung biên soạn lại được tham khảo kỹ lưỡng ở các nguồn nước ngoài, tổ chức góp ý có chăng là bổ sung góc nhìn của các “đại doanh nghiệp” có tầm ảnh hưởng trong ngành. Góc nhìn, lợi ích, tập quán của những hộ sản xuất cá thể hay quy mô gia đình xem như bị gạt sang một bên.
Lẽ ra Danh mục 2019 đã có thể được xem là một bước tiến nhảy vọt trong đơn giản hóa công tác quản lý nhà nước vì nó thay thế Danh mục tạm thời 2012 rất dài, rất phức tạp trong đó thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được liệt kê cụ thể từ doanh nghiệp nào (tức không những chuối cây, bèo không được lưu hành mà ngay cả sản phẩm từ doanh nghiệp không có tên trong danh mục là bị loại ngay).
Dù sao Danh mục tạm thời 2012 vẫn có tác dụng làm rào cản kỹ thuật rất cần thiết với thức ăn chăn nuôi nhập từ nước ngoài vì đa phần các loại được phép lưu hành đều gắn với một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cụ thể. Sản phẩm chưa có quy chuẩn thì phải có số đăng ký nhập khẩu (có đến 4.238 sản phẩm như thế được liệt kê trong danh mục).
Nay Danh mục 2019 không còn một chút xíu gì dấu vết của một hàng rào kỹ thuật, một hàng rào bảo vệ an toàn thức ăn gia súc, một sự bao quát đến tập quán của người dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Lẽ ra Danh mục 2019 vẫn tạo ra sự hợp lý khi liệt kê các loại thức ăn chăn nuôi như sắn, bắp, thóc, lúa mì nếu đi kèm là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (ví dụ như với bắp là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 01 - 78: 2011/BNNPTNT). Các loại thức ăn chăn nuôi chưa có quy chuẩn lẽ ra phải gắn kèm là các điều kiện bắt buộc như độ ẩm, hàm lượng protein, hàm lượng nước...
Lúc đó mọi người sẽ hiểu danh mục được ban hành nhằm áp dụng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp, từng loại thức ăn phải như thế này, thế này mới được lưu hành. Lúc đó sẽ chẳng còn ai thắc mắc vì sao liệt kê thiếu nhiều loại người dân thường dùng. Lúc đó chẳng còn ai đặt câu hỏi vì sao không soạn theo hướng liệt kê danh mục cấm dùng trong chăn nuôi mà lại liệt kê danh mục được dùng, đến bao giờ mới liệt kê cho hết.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn