Thaco đã làm nên dấu ấn của một doanh nghiệp kiên cường phát triển bằng cả tấm lòng yêu nước, khát vọng tìm một vị thế cho nền công nghiệp ô tô vốn còn non trẻ ở Việt Nam.
Doanh nhân Việt giàu hơn cả... Tổng thống Mỹ
Trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019 do Tạp chí Forbes công bố mới đây, Việt Nam có 5 đại diện góp mặt, trong đó dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với tài sản 6,6 tỷ USD. Trên bảng xếp hạng, ông Vượng xếp thứ 239, giàu hơn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump (3,1 tỷ USD) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Đây là năm thứ 7 liên tiếp người đứng đầu Vingroup có tên trong danh sách này.
Cùng đồng hành với ông Vượng trong bảng xếp hạng của Forbes là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet. Đây là lần thứ 3 bà Thảo được Forbes xướng tên trong top tỷ phú thế giới với tài sản 2,3 tỷ USD và đứng ở vị trí 1.008 trên bảng xếp hạng.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) lần thứ 2 có mặt trong Bảng xếp hạng của Forbes, xếp vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỷ USD. Hai tỷ phú USD mới của Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (1,7 tỷ USD, xếp hạng 1.349) và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717).
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - người được Forbes đưa vào danh sách năm ngoái không có mặt trong bảng xếp hạng năm nay. Tuy nhiên, trên Bảng xếp hạng Real-Time (thời gian thực), tài sản hiện tại của ông Long được Forbes ước tính khoảng 1 tỷ USD.
Thực tế trên cho thấy, dù Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, nhưng khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước đột phá. Sự thay đổi này một phần nhờ vào những chính sách của Nhà nước ngày càng cởi mở, thân thiện hơn với doanh nghiệp. Hệ thống luật pháp đã được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho kinh doanh.
Rõ ràng, đằng sau sự thành công của Vingroup, Hoà Phát, Thaco, Vietjet Air, Masan hay hàng loạt ông lớn khác như Vinamit, Ki Đô, Vĩnh Hoàn, Thành Thành Công, Hoàng Anh Gia Lai... là những cá nhân cụ thể. Họ là những doanh nhân tư nhân liều lĩnh trước hàng rào “luật lệ” để làm nên chuyện, dựa trên những “giá trị độc đáo”, kỹ năng bậc cao, đổi mới sáng tạo…
Với cách đi mới, thay vì cố gắng chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng với doanh nghiệp nước ngoài, những doanh nghiệp này quyết bứt ra làm chủ. Sau một thời gian đủ mạnh, đi đầu thiết lập chuỗi đầu tư, họ trở thành lực hút đối với các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi.
Thực tế trên đang khẳng định sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt, song cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nhân với con đường đi đến thịnh vượng của đất nước.
Thổi bùng “chiến thuật” đa ngành
Sự mở rộng liên kết, dù theo chiều ngang hay dọc của doanh nghiệp được gói gọn trong cụm từ “đầu tư đa ngành”. Mô hình này từng bị lên án bởi sự thất bại của các “quả đấm thép” như Tổng công ty Sông Đà, VNPT, PVN, Vinashin, Vinalines, Vinaconex, Vinachem, Vinacomin... Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi và phân tích diện rộng các mô hình chiến lược tập đoàn trong nước và trên thế giới, giới chuyên gia ở Việt Nam cho rằng, đầu tư đa ngành là tư duy đúng, nhưng cần có cách thực hiện chuyên nghiệp và người điều hành có tâm, có tầm.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, bản chất của tư duy đầu tư đa ngành rất tích cực trên nguyên lý chuỗi giá trị từ đầu đến cuối nguồn và liên kết giá trị theo chiều ngang. Cụ thể, mọi quyết định đầu tư lấn sân sang lĩnh vực mới được các chủ doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc như: khai thác tối đa cơ hội lợi nhuận thị trường và khách hàng; khai thác tối đa nguyên vật liệu dư thừa và lợi nhuận cung ứng đầu vào; khai thác lợi nhuận khâu vận tải, hậu cần và trung gian; khai thác những lĩnh vực công nghiệp và kinh tế nông nghiệp chế biến còn bỏ trống; khai thác nguồn nhân lực tiềm năng.
Vài năm trở lại đây, người dân Việt Nam vẫn nói vui với nhau rằng, ở nhà Vinhomes, học Vinschool và VinUni, mua sắm tại Vincom, Vinmart, Vinmart+, Vinpro, ăn rau sạch VinEco, có bệnh tới Vinmec, mua thuốc tại VinFa, du lịch tới Vinpearl, dùng điện thoại Vinsmart, đi xe VinFast…, thậm chí có cơ hội trực tiếp chứng kiến đường đua kỳ ảo của giải đua xe công thức 1 cũng nhờ Vingroup.
Ông chủ họ Phạm của Vingroup có triết lý kinh doanh “làm đẹp cho đời”, nhưng vẫn mang tham vọng “thế giới phải biết Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp”. Vậy nên, Vingroup đang là “mái nhà” và “bệ phóng” cho hàng ngàn người Việt. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, Vingroup đều đang nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái từ việc làm, đến thu nhập cho hàng ngàn người lao động, hàng trăm doanh nghiệp đối tác.
Chung một mục tiêu với Vingroup, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã làm nên dấu ấn của một doanh nghiệp kiên cường phát triển bằng cả tấm lòng yêu nước, khát vọng tìm một vị thế cho nền công nghiệp ô tô vốn còn non trẻ ở Việt Nam. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đã bắt đầu hành trình này với quyết định chọn Chu Lai, Núi Thành (Quảng Nam) - vùng đất khó nhưng đầy tiềm năng cùng với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, trân trọng nhà đầu tư của địa phương.
Với một nhà máy có diện tích vài chục héc-ta, Thaco ngày càng mở rộng và phát triển với tốc độ nhanh. Từ nhà máy xe tải, xe bus, Thaco bước sang cột mốc mới khi quyết tâm đầu tư nhà máy lắp ráp xe con du lịch KIA. Đây là tên tuổi đầu tiên ở Việt Nam lắp ráp đầy đủ các chủng loại xe tải, bus, xe du lịch và xe con thương hiệu Peugeot đến từ châu Âu...
Không chỉ vậy, do thực tế ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và muốn đứng vững trên đôi chân của mình, Thaco tiên phong đầu tư hàng loạt nhà máy linh kiện phụ tùng và cơ khí để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực kéo theo sự phát triển các ngành công nghiệp khác.
Không dừng lại ở đó, Thaco sẽ tiếp tục đầu tư gần 20.000 tỷ đồng cho các dự án lớn và có tính động lực, như mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô, xây dựng trung tâm R&D, khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp, đầu tư cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn.
Ông Trần Bá Dương cho rằng, nhiệm vụ, chiến lược của Thaco đã thay đổi từ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ô tô sang tập đoàn đa ngành, trong đó ngành chủ lực là sản xuất - kinh doanh cơ khí và ô tô. Đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành bổ trợ cho các ngành kinh doanh thương mại, logistics.
Masan - cái tên đình đám trong ngành hàng tiêu dùng cũng thừa nhận mình không phải người giỏi nhất. “Con đường đang đi nhiều chông gai, thử thách, nhưng chưa giây phút nào chúng tôi hoài nghi về lựa chọn của mình. Thỉnh thoảng có người đồng ý hoặc phản đối, nhưng chúng tôi tin, nếu kiên trì bước đi, thì sớm muộn mọi người sẽ hiểu”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây.
Masan đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 đạt 45.000 - 50.000 tỷ đồng, tương ứng mỗi người Việt Nam sẽ chi 19 - 21 USD cho sản phẩm của Masan, tăng 18-31% so với năm 2018. Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng: triển khai cửa hàng một điểm đến để giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ.
Trở thành niềm tự hào của Việt Nam
Không phải công ty nào cũng có cơ hội làm điều gì đó tạo ảnh hưởng đến thế giới. Hầu hết những chú “sếu đầu đàn” của khối kinh tế tư nhân Việt Nam đều theo đuổi lý tưởng trở thành niềm tự hào của Việt Nam bằng việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Họ may mắn khi có thể làm được điều đó vì tin mình sở hữu các yếu tố cần thiết, mà quan trọng nhất là con người.
Việt Nam có thể tự hào với thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân đang ngày một trưởng thành, lớn mạnh và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước...
Theo ông Inamori Kazuo - một trong các doanh nhân “huyền thoại” của Nhật Bản, tác giả của những cuốn sách nổi tiếng “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế và cách sống”, điều trước tiên, doanh nhân phải đặt mục tiêu kinh doanh lớn nhất là mang lại hạnh phúc về vật chất và tinh thần cho nhân viên.
Ông Inamori Kazuo cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đó, doanh nhân phải có khát vọng đưa doanh nghiệp mình đứng đầu khu vực, đứng đầu đất nước, sau cùng là đứng đầu thế giới. Và để theo đuổi khát vọng lớn, doanh nhân phải vứt bỏ cái tôi tư lợi, ngày ngày nỗ lực không thua kém bất cứ ai. Nói cách khác, đó chính là nhân cách biết tiết chế và kiên nhẫn của doanh nhân.
Việt Nam có thể tự hào với thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân đang ngày một trưởng thành, lớn mạnh và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia các lĩnh vực vốn là địa hạt bất khả xâm phạm của các doanh nghiệp nhà nước, như các dự án hạ tầng, đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không và kể cả phương tiện giao thông hiện đại.
Cuối cùng, những doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân này còn góp phần “gieo trồng” cả hoài bão, ước mơ cho bao người khởi nghiệp, lan tỏa mãi mãi tinh thần khởi nghiệp...
Theo Anh Hoa
Báo Đầu tư