Mỏ vàng đất đai sẽ được khai thác tốt hơn nếu có những sửa đổi phù hợp về chính sách.
Ảnh: QH
Đất đai vẫn sẽ tiếp tục cáng đáng trách nhiệm với ngân sách nhà nước năm 2019, dù rằng, như mọi tài nguyên hữu hạn, đã nhìn thấy sự đuối sức. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu tiền sử dụng đất trong 4 tháng đầu năm đạt 29.800 tỉ đồng, bằng 33,1% dự toán nhưng lại thấp hơn so với mức 32.200 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Bài toán đặt ra là phải làm sao tăng được tiền thu từ đất đai và sử dụng hiệu quả nguồn này. Đó cũng là vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội trong tuần họp thứ 2 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14.
Thế nhưng, Báo cáo Giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 ghi nhận những sự thật rất đáng lo ngại. Theo đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng phổ biến hình thức chỉ định; 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần; tại 53 địa phương, việc thanh toán dự án BT còn bất hợp lý dẫn đến chênh lệch giá, hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, thanh toán quỹ đất không quá đấu giá.
Nguồn thu từ đất chiếm trên dưới 8% ngân sách địa phương là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng đong đếm hệ lụy thất thoát, lãng phí, khi những cái kim vẫn nằm trong bọc, dư luận đành ước định qua những tính toán giấy trắng mực đen: chỉ riêng năm 2018, Đà Nẵng thu hồi hơn 3.000m2 đất từ các vụ tham nhũng, kiểm toán các dự án BT và BOT đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, sai phạm liên quan tới đất vàng TP.HCM gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Cùng với những vụ án tham nhũng đang được xử lý ít nhiều đều liên quan tới các dự án đất đai, có lẽ, phần chìm không hề khiêm tốn.
|
|
Tại nghị trường, các vị đại biểu Quốc hội không nể nang chỉ thẳng nghi ngại về lợi ích nhóm đứng sau các chủ trương, chính sách thu hồi đất đai, hóa giá đất vàng sau cổ phần hóa doanh nghiệp. Những kiến nghị về xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về giá đất và quỹ đất, đấu giá công khai minh bạch, điều chỉnh khung giá đất phù hợp với giá thị trường, tuân thủ quy định khi xác định vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, sử dụng đất đúng mục đích và đúng quy hoạch đã được đưa ra. Tuy nhiên, cần một khoảng lùi để sửa đổi và áp dụng những quy định mới vào thực tế và vì thế, nhiều “tấc vàng” sẽ bị rơi khỏi túi ngân sách?
Trao đổi với NCĐT, Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng tình với quan điểm, trước hết, phải xem xét trách nhiệm những người đang gánh vác nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước liên quan tới vấn đề đất đai, thay vì đổ lỗi cho lỗ hổng quản lý.
Nghề “săn đất vàng cổ phần hóa” đã xuất hiện chứng tỏ cuộc càn quét của các doanh nghiệp tư nhân thân hữu với mỏ tài nguyên đất đai. Hàng chục ngàn tỉ đồng hoặc hơn thế nữa có khả năng đã bị chia chác, trong khi, với những sự việc đã phơi bày thanh thiên bạch nhật, việc xử lý vi phạm dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.
Hóa giải được sai sót này, chúng ta sẽ có đủ thời gian để cân nhắc và quyết định quan điểm khai thác nguồn lực vẫn chưa bị suy kiệt này, vì mục đích lợi nhuận tối đa; hay dựa trên tầm nhìn dài hạn và quan điểm phát triển bền vững. Phương án đầu tiên sẽ mang lại lượng tín dụng tối đa lên tới cả trăm ngàn tỉ đồng giúp giải quyết những khó khăn về nợ công, chi thường xuyên và đặc biệt là chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cái giá của nó sẽ là quy hoạch chạy theo lợi ích nhà đầu tư bất chấp áp lực lên hạ tầng đô thị, hiện tượng đã và đang xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM đơn giản bởi nhà đầu tư chi nhiều để thu được nhiều hơn.
Phương án thứ 2 có thể biến đất vàng di dời trụ sở công quyền thành vườn hoa, công viên như kỳ vọng của các vị đại biểu Quốc hội trở thành hiện thực. Sẽ cần những bản quy hoạch đô thị hoàn chỉnh và không được thay đổi trong vòng 20-30 năm tới, trong đó, quy định cụ thể và chi tiết về công năng từng khu đất sao cho hài hòa với nhu cầu phát triển, tình trạng dân cư và hạ tầng, trình độ phát triển của đô thị theo từng thời kỳ. Tất nhiên, con đường này sẽ đòi hỏi trí tuệ, nỗ lực và đặc biệt là quyết tâm không tư túi, tham nhũng của các vị trí quản lý có liên quan. Điều này dẫu khó nhưng chắc chắn không là không thể.
Theo Hoàng Hạnh
Nhịp cầu đầu tư