Ngày càng nhiều rủi ro liên quan đến mất tiền trong tài khoản, ngân hàng hay đơn giản bị lộ thông tin cá nhân...
Thực trạng lộ thông tin cá nhân
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, hoạt động thu thập thông tin của người tiêu dùng ngày càng phát triển với nhiều cách thức và quy mô mới. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng những thông tin khai thác được dạng này để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2017, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 40 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo người tiêu dùng.
Phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa đựng ít nhất một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng như: họ tên, địa chỉ nhà, hành vi mua bán đã từng thực hiện trong quá khứ... “Những thông tin chính xác này là căn cứ quan trọng để người tiêu dùng tin tưởng vào những nội dung chào mời của các đối tượng. Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ 1-2 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tại Việt Nam dễ dàng mua được một danh sách các khách hàng với các thông tin chi tiết và các doanh nghiệp sử dụng các thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, trong đó nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng.
Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, cần đảm bảo một số nguyên tắc về quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cũng được áp dụng mức độ bảo vệ tương đương như người tiêu dùng trong các giao dịch truyền thống.
Bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro
Để khắc phục những vấn đề này, ông Mr. James Callon Chuyên gia của IFC về Bảo vệ Người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính cho biết, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, thông lệ tốt nhất về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính là hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, và các cấu phần chính của một hệ thống báo cáo tín dụng hướng tới bảo vệ người tiêu dùng.
Một hệ thống thông tin tín dụng tốt cần phải đảm bảo được sự an toàn và hiệu quả, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình thu thập và chia sẻ thông tin giữa các bên sử dụng dịch vụ.
Ông Mr. James Callon chia sẻ thêm, từ phía các nhà cung cấp thông tin tín dụng cần coi bảo vệ người tiêu dùng là một phần cốt lõi trong hoạt động của mình để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của cơ sở dữ liệu, giúp củng cố sự tín nhiệm của các khách hàng sử dụng dịch vụ và người tiêu dùng đối với hệ thống thông tin tín dụng nói chung.
Việc khách hàng của một số tổ chức tài chính bị chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản do nhân viên của các tổ chức này gây ra không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam. Cách thức giải quyết các tranh chấp vẫn chưa cho thấy quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được ưu tiên hàng đầu.
Ông Hoàng Hùng, chuyên gia cao cấp của IFC về Báo cáo tín dụng chia sẻ trong một Hội thảo vừa được tổ chức tại TP.HCM chủ đề về Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính: Nhiều đơn vị sử dụng lao động ép buộc người sử dụng lao động phải mở tài khoản ở một ngân hàng nhất định.
Trong khi, lẽ ra người lao động chỉ cần đưa thông tin tài khoản theo lựa chọn của mình cho bộ phận nhân sự, còn người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chuyển lương hoặc thu nhập vào tài khoản này. Trường hợp chỉ định cũng xảy ra với bảo hiểm học sinh, khi một số nhà trường ấn định nơi mua bảo hiểm, thay vì phụ huynh được lựa chọn nhà cung cấp phù hợp trên thị trường, chỉ cần nộp giấy chứng nhận bảo hiểm theo yêu cầu (nếu có).
Cũng như các thị trường dịch vụ tài chính khác trên thế giới, rủi ro về bảo mật và công nghệ đang và sẽ là một trong những thách thức lớn của các tổ chức tài chính. Những thiệt hại do bên thứ ba gây ra, do hạ tầng hay hệ thống bảo mật không đảm bảo, có thể dẫn đến nhiều tranh chấp với khách hàng. Khi đó, nếu không có cơ chế bảo vệ hợp lý thì khách hàng rất dễ bị thiệt thòi.
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính khi không thể trông chờ vào sự tự giác, chủ động của các tổ chức tài chính thì trách nhiệm phải thuộc về các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý có liên quan, các tổ chức dân sự đại diện cho người tiêu dùng, và cuối cùng là chính bản thân từng người tiêu dùng.
Theo Diễm Quỳnh
Báo Nhịp cầu đầu tư