Ngân hàng Nhà nước mới đây đã tổ chức cuộc họp thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm.
Tính đến ngày 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá.
Ngoài ra, sau gần hai năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng trong việc duy trì và kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tính từ năm 2012 đến tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2018 xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
Về xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng, bao gồm xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5.800 tỷ đồng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 đến năm 2017, thời gian trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Kết quả xử lý nợ xấu này cho thấy, khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42.
Ngày 21/6/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC.
Bên cạnh đó, nghị quyết này hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, triệt để, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Theo Đào Hưng
Vneconomy