Năm 2018, số lượng xe đạp điện Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu sang châu Âu, cùng thời điểm EC tiến hành điều tra xe đạp diện Trung Quốc.
Hàng hóa Trung Quốc đang tìm cách lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn ảnh: Tạp chí Thương Trường
Nguy cơ từ chiếc xe đạp
Lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm Uỷ ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công thương, trong 11 tháng đầu năm 2018, lượng xuất khẩu xe đạp điện của Việt Nam sang EU là 138.467 chiếc, đạt kim ngạch 66,9 triệu euro, tăng 47,4% về lượng và 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
“Điều này có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính”, Cục Phòng vệ thương mại nhất mạnh.
Cuối năm 2018, EC đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Liên minh châu Âu. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cộng gộp là từ 18,8 – 79,3% tùy thuộc vào từng doanh nghiệp xuất khẩu, áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18.1.2019.
Bộ Công Thương đã trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Cụ thể, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Những ảnh hưởng đến Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đã và đang phối hợp với Tổng cục Hải quan để theo dõi những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như lợi ích của các doanh nghiệp chân chính.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tuân thủ chặt chẽ quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời theo dõi sát thị trường để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện dấu hiệu bất thường để tránh cả ngành sản xuất và xuất khẩu bị liên lụy.
Khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.
Vì vậy, theo Bộ này, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Nhịp cầu đầu tư