Toggle navigation
Hàng loạt dự án BOT giao thông hụt doanh thu
28/04/2019 | 05:34 GMT+7
Chia sẻ :
Gần một nửa số dự án BOT giao thông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý bị hụt doanh thu, trong đó không ít dự án đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, thậm chí thu không đủ trả chi phí lương và duy tu công trình.

Trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, một trong những dự án BOT giao thông bị giảm doanh thu lớn.

Muôn mặt hụt thu

Đến thời điểm này, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn chưa thể tiến hành thu phí tại trạm thu phí sử dụng đường bộ Km17+ 100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình, dù công trình đã được thông xe từ ngày 10/10/2018.

Ông Trần Văn Phòng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, Công ty vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) một lần nữa đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép được thu phí tại trạm Km17+ 100 sau khi doanh nghiệp dự án đã hoàn thành toàn bộ yêu cầu của UBND tỉnh Hòa Bình. 

Dự án BOT Xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư là 2.723 tỷ đồng. Nhà đầu tư được quyền thu phí trên Quốc lộ 6 và tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình để hoàn vốn. Theo hợp đồng BOT đã ký, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ bắt đầu thu phí từ ngày 1/11/2018.

Điều đáng nói là, ngay sau lễ thông xe đường Hòa Lạc - Hòa Bình, các phương tiện đã chuyển sang chạy đường chưa thu phí làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu thu phí trên Quốc lộ 6.

Việc tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình chậm thu phí hoàn vốn gần 6 tháng so với kế hoạch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phương án tài chính khiến ngân hàng cho vay tạm dừng giải ngân từ tháng 2/2018, doanh nghiệp dự án không có đủ kinh phí để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Tương tự, Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng (Thái Bình) chậm được thu phí dù đã hoàn thành từ năm 2015 đang đẩy nhà đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản. Theo thỏa thuận tại hợp đồng, khi Dự án đưa vào khai thác, nhà đầu tư được phép thu phí dịch vụ đường bộ để chi trả các khoản chi đầu tư. Với lãi suất đối với phần vốn vay ngân hàng khoảng 9%/năm, 2 năm phải dừng thu do đợi chờ tuyến đường kết nối thực sự là gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC cũng đang phải đối diện với sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Phủ Lý (Hà Nam) và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215+775 - Km235+885. Tổng doanh thu thu phí tại trạm Nam Cầu Giẽ trong năm 2018 chỉ đạt 93,258 tỷ đồng, trong khi doanh thu năm 2017 là 126,9 tỷ đồng.

Theo FCC, việc sụt giảm doanh thu của Dự án là do một lượng lớn xe đi sang đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn Vực Vòng) qua Quốc lộ 38, vì giá vé thấp hơn do đường cao tốc áp dụng hình thức thu phí kín, tính theo thực tế số km phương tiện đi và xung quanh trạm thu phí có những tuyến đường liên thôn/xã cho phép một số xe vòng tránh trạm thu phí Nam Cầu Giẽ. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý theo thực tế tại Dự án lên tới 46,63%, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 5% của phương án tài chính, khiến doanh thu sụt tới 54,7% so với phương án tài chính.

Nguy cơ nợ xấu gia tăng

Số lượng dự án BOT đường bộ bị sụt giảm doanh thu có xu hướng gia tăng khá nhanh trong thời gian qua. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong số 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có 27 dự án có doanh thu tăng và 26 dự án có doanh thu giảm so với hợp đồng; 4 dự án còn lại do mới vận hành, khai thác nên chưa đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có 4 lý do chính dẫn đến tình trạng các dự án BOT bị vỡ phương án tài chính: lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác theo quy định trong hợp đồng hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng.

Được biết, hầu hết các dự án BOT đã được Bộ GTVT ký kết với nhà đầu tư trong những năm qua được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó có thỏa thuận mức phí 3 năm được điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Một số dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng, ngoài vướng mắc liên quan đến Thông tư 35, để đảm bảo an sinh - xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35/2016/NQ - CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ GTVT chưa thể cho tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Ở một góc nhìn khác, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dư nợ cho vay đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Một số tuyến có lưu lượng phương tiện tăng vẫn bị hụt thu

Các dự án bị giảm doanh thu lớn so với phương án tài chính là tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 (giảm 88%); cầu Hạc Trì (giảm 57%); Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 (giảm 53%); Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (giảm 48%); Quốc lộ 1 qua Bình Định (giảm 35%); Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi (giảm 33%)...

Ngay cả một số tuyến đường có lưu lượng phương tiện tăng nhưng vẫn bị hụt doanh thu so với phương án tài chính là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (giảm 10%); Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Biên Hòa (giảm 23%); đường Hồ Chí Minh Quốc lộ 2 (giảm 27%).

Theo Anh Minh
Báo Đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com