Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam và một số nước khác, đồng thời giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việt Nam là nước cung cấp đồ gỗ lớn thứ 2 cho Mỹ
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong tháng 1 đạt 1,73 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Mỹ chi khoảng 755,3 triệu USD nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Trung Quốc, giảm 8,8% so với cùng kỳ. Kết quả, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống 43,6% trong tháng 1, từ 49,2% của tháng đầu năm 2018.
Việt Nam là quốc gia cung cấp đồ gỗ lớn thứ 2 cho Mỹ. Trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam trong cùng kỳ đạt 437,1 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam theo đó tăng lên 25,2%, từ mức 20,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Thay đổi thị phần đồ gỗ của một số quốc gia tại Mỹ. Biểu đồ: Phan Vũ.
Đây được xem là kết quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa đưa ra được thỏa thuận cuối cùng nào. Vì vậy, thuế áp lên hàng hóa của hai nước vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, Mỹ chủ yếu nhập khẩu mặt hàng ghế khung gỗ và đồ nội thất phòng khách và phòng ăn trong tháng 1. Trong đó, trị giá nhập khẩu mặt hàng ghế khung gỗ đạt 607,9 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018, tỷ trọng chiếm tới 35,1% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ.
Những thị trường chính cung cấp mặt hàng ghế khung gỗ cho Mỹ trong tháng gồm Trung Quốc, Việt Nam, Mexico, Indonesia,...Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm tới 79,6% tổng trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Mỹ.
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng 3 con số
Bộ Công Thương ước tính trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3 đạt 900 triệu USD, tăng 124,4% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 615 triệu USD, tăng 135,1% so với tháng 2.
Tính cả quý I, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hầu hết mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều có trị giá tăng trong 2 tháng đầu năm 2019, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tới 64,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Đồ gỗ Việt có cơ hội xuất khẩu lớn sang Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Ảnh: Báo Gia Lai.
Theo Furniture Today, tại Mỹ, xu hướng lựa chọn thị trường cung cấp thay thế cho thị trường Trung Quốc ngày càng tăng trong phân khúc thị trường đồ nội thất phòng ngủ, nên nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang chuyển nguồn cung từ Trung Quốc sang các thị trường khác như Việt Nam, Đài Loan, Indonesia và Malaysia.
Trong đó, các sản phẩm giường tùy chỉnh, giường hộp đang tăng trưởng mạnh tại Mỹ. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng trong thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu chủ yếu đối với mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam.
Đối với mặt hàng đồ nội thất văn phòng, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2019 và 2020. Cụ thể, nhu cầu đồ nội thất văn phòng trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3% trong năm 2019 và 2020, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Theo Phan Vũ
NDH