Việc hội nhập trong thời điểm, hoàn cảnh bất lợi chẳng khác nào đẩy người nông dân vào “tử địa” và “xóa sổ” ngành mía đường.
Đứng trước lợi ích hợp pháp của ngành mía đường, đặc biệt là kế sinh nhai của người dân trồng mía bị xâm phạm nghiêm trọng, nguy cơ tái nghèo là có thể dự báo trước, ai sẽ bảo vệ lợi ích của nông dân và các nhà máy đường?
Tại sao người dân không thể bỏ trồng mía?
Hàng chục năm nay, đối với ngành sản xuất mía đường, cây mía là quan trọng nhất bởi vùng nguyên liệu mía quyết định quy mô, công suất đầu tư và sự sống còn của các nhà máy đường.
Theo quy luật đó, các nhà máy đường theo chân cây mía “xoá đói, giảm nghèo” đến những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, những nơi điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt… để ngày một hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa sản xuất mía đường, mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu hộ dân.
Nhà máy được đầu tư thiết bị hiện đại tiệm cận với các nhà máy khác trên thế giới, nhập từ nước ngoài về Việt Nam như Đức, Ấn Độ... đầu tư nâng cấp nhà máy hàng nghìn tỉ đồng cho công nghệ, lẫn các chuyên viên tư vấn nước ngoài về.
Cái tên ngành mía đường đã phản ánh là cây mía đi trước hạt đường theo sau, bởi vậy người nông dân và vùng trồng mía đóng vai trò quan trọng.
Tại Chương trình “Một triệu tấn đường” của chính phủ, tự cung tự cấp đủ nhu cầu tiêu dùng và không phụ thuộc nhập khẩu nhưng “nền tảng cốt lõi” của chương trình này chính là đưa cây mía đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để cây mía trở thành trụ cột của “xoá đói giảm nghèo”.
Trong suốt 25 năm qua, cây mía đã khẳng định vị trí cây trồng và trụ vững tại các vùng sản xuất, cùng với các nhà máy hình thành chuỗi hợp tác kinh tế trong việc phát triển các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ít lợi thế cạnh tranh, từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, xóa đói giảm nghèo bền vững và hình thành các vùng nông thôn trù phú một cách ổn định, nhất là vùng biên giới phên dậu của tổ quốc, với đặc trưng điều kiện thổ nhưỡng kém như miền Bắc và miền Trung - đất bạc màu, đồi dốc, sỏi đá không có sông ngòi nước tưới, chỉ trông cậy vào nguồn nước trời và đồng bằng sông Cửu Long – nhiễm phèn, ngập mặn.. và phân tán, nhỏ lẻ với quy mô khoảng 0,7 ha/hộ trồng mía.
Đó là lý do vì sao chủ trương của chính phủ đã lựa chọn, đầu tư hơn 40 nhà máy đường quy mô nhỏ để phù hợp với vùng nguyên liệu mía có quy mô nông hộ, nhỏ lẻ phân tán và điều kiện khắc nghiệt tại Việt Nam để góp phần giải quyết thu nhập, công ăn việc làm, đời sống cho bà con, nông dân, đồng bào vùng khó khăn trải dài khắp cả nước.
“Cơ giới hóa, hiện đại hóa” đến đâu?
Đừng đổ lỗi cho đường lậu, các doanh nghiệp mía đường phải tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh? Phải cơ giới hoá, phải hiện đại hoá, phải có quy mô lớn cả về vùng nguyên liệu và công suất nhà máy… phải dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn song song với hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh để tiến lên hiện đại hoá, tự động hoá…đó là những điều được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại trong suốt nhiều năm trong các giải pháp cho ngành mía đường.
Tuy nhiên, trên thực tế, thử điểm lại gần 30 năm qua cả nước ta có bao nhiêu cánh đồng quy mô vài nghìn ha mà hiện đại hoá và cơ giới hoá toàn diện? Cây lúa là dễ cơ giới hoá nhất nhưng thử điểm lại xem chúng ta có bao nhiêu cánh đồng tập trung sản xuất quy mô lớn 2.000-5.000 ha?
Quy mô sản xuất nông nghiệp của Mỹ là 1.000-3.000 ha/hộ, Úc là 500-2.500 ha/hộ, Brazil thì có những cánh đồng mía lớn 3.000-10.000 ha.
Việt Nam thì chỉ có một vài điểm sáng như một vài nông trường được quy mô trên dưới 1.000 ha nhưng trong vài điểm sáng đó thì chỉ có một, hai nông trường sản xuất mía tập trung và cơ giới hoá, còn lại chỉ có lợi thế quy mô về đất, đa số vẫn canh tác theo quy mô nông hộ do các nông trường viên thực hiện.
Tại sao những việc “dồn điền, đổi thửa”, “sản xuất quy mô lớn”, “sản xuất tập trung”, “cơ giới hoá, hiện đại hoá” để nâng cao năng suất chất lượng nông nghiệp nói thì dễ mà làm thì khó?
Tại sao những đồng bằng rộng lớn bằng phẳng không sản xuất tập trung quy mô lớn được? Có lẽ khi nói về “Cơ giới hóa, hiện đại hóa”, các chuyên gia kinh tế chưa trả lời được câu hỏi này.
Thực tế, với địa hình đồi dốc, sỏi đá ở vùng núi trung du Bắc và trung bộ cũng như những vùng đồng bằng nhiễm mặn, nhiễm phèn… trồng mía thì cơ giới hoá và hiện đại hoá toàn diện là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Địa hình đồi dốc tại các vùng mía thường nằm vùng sâu vùng xa “chó ăn đá gà ăn sỏi”, cây thoát nghèo cho người nông dân - nơi không thể trồng được loại cây nào khác, địa hình như ảnh mô ta sẽ gây khó khăn cho việc cơ giới hoá máy móc (gây khó khăn trong việc đốn chặt, công vác mía, thu hoạch mía dẫn đến chí phí cao hơn các nước khác là địa hình bằng phẳng thuận tiện hơn Việt Nam).
Có thể khẳng định với xuất phát điểm khó khăn như thế trong hoàn cảnh bất khả thi về cơ giới hoá công nghiệp hoá toàn diện thì việc năng suất mía người nông dân Việt Nam bình quân cả nước 65 tấn/ha so với năng suất 68-70 tấn/ha của Thái Lan, nơi mà việc canh tác được thuận lợi hơn nhiều và nông dân lại được chính phủ bảo hộ, trợ cấp, trợ giá, thì quy mô sản xuất nông hộ của Việt Nam đối với ngành mía đường thật đáng ghi nhận và khen ngợi.
Bởi vậy bài toán “cơ giới hóa, hiện đại hóa” nên chăng chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế hơn?
Ai sẽ bảo vệ lợi ích của người trồng mía?
“Đừng đổ lỗi cho đường lậu”, điều đó hoàn toàn đúng. Buôn lậu chính là quốc nạn của quốc gia. Trước hết nó giết chết ngành sản xuất trong nước và khiến ngân sách nhà nước thất thu.
Buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu cùng với hệ thống quản lý không hiệu quả và quy định pháp lý bất cập đã khiến cho các hoạt động vi phạm pháp luật không bị kiềm chế, việc gian lận thương mại mặc sức hoành hành nhiều năm nay và đến nay đã hầu như không thể khống chế được.
Việc nhập lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu là tác nhân chính đã xóa bỏ mọi nỗ lực chuẩn bị hội nhập của các doanh nghiệp đường và nông dân trồng mía.
Chính vì đường lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập tái xuất và nhập đường thô sản xuất xuất khẩu đã đẩy các nhà máy đường Việt Nam lúc nào cũng trong nguy cơ thua lỗ, chỉ phấn đấu tồn tại hoặc lợi nhuận thấp.
Từ đó kiềm chế, xoá bỏ cơ hội tích luỹ vốn cho các nhà máy đường, cơ hội tích tụ đất cho người nông dân, triệt để phá vỡ cơ hội trưởng thành và phát triển của ngành mía đường Việt Nam hơn một thập kỷ qua.
Địa hình gây khó khăn cản trở việc thua mua mía, cân chuyển mía về nhà máy nếu thời tiết khó khăn (như mưa sẽ gây sụt lún đường, cản trở việc đưa mía về nhà máy)
Vậy ai sẽ là người bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân trồng mía và của ngành mía đường trước điều kiện cạnh tranh không lành mạnh? Đặc biệt ngày 1/2/2020 sắp tới, Hiệp định ATIGA được thực thi giúp cho đường Thái Lan thừa cơ tràn vào “đè bẹp” đường Việt Nam, khiến ngành mía đường Việt Nam nắm chắc nguy cơ bị “bức tử”?
Nông dân và ngành đường Việt Nam đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình, không cần phải trợ cấp, và chấp nhận bị đào thải theo cơ chế thị trường. Nhưng tiến trình hội nhập cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả và giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hoạt động kinh doanh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp và nông dân.
Trước sự vi phạm, bảo hộ, trợ cấp, trợ giá tinh vi và trá hình quy mô của Thái Lan trong nhiều thập kỷ qua đối với ngành mía đường thì Việt Nam làm gì để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng trong việc đòi hỏi “cuộc chơi công bằng ngay trên tổ quốc mình” của nông dân và doanh nghiệp mía đường Việt Nam.
Việc hội nhập không thể thực hiện một cách “ngây thơ” thiếu quá trình đánh giá đầy đủ và chuẩn bị kỹ lưỡng như các quốc gia khác đã thực hiện.
Các cơ quan nhà nước cần tìm hiểu thông tin về một ngành mang tính “bảo hộ thương mại” hoặc “gian lận thương mại” cao như ngành đường để tránh thiệt hại cho đất nước khi đàm phán các thỏa thuận quốc tế nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và có lợi cho nước nhà. Từ đó đánh giá, vận dụng và đưa ra thời điểm, lộ trình và mức thuế quan phù hợp.
Duy Linh
Vietnamdaily