Toggle navigation
GDP: Hãy nghĩ về môi trường!
23/04/2019 | 05:35 GMT+7
Chia sẻ :
Khẩu hiệu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế có được thực thi đúng mức?

Ảnh: QH

Tổ chức Giám sát chất lượng không khí AirVisual thông báo, khảo sát năm 2018 cho thấy, Việt Nam nằm gần cuối nhóm “quốc gia có chất lượng không khí trung bình” trên thế giới, cách nhóm “gây nguy hiểm cho người nhạy cảm”. Một lần nữa, cảnh báo đánh đổi tăng trưởng GDP và ô nhiễm môi trường tiếp tục được đặt ra.

Thảm họa môi trường xảy ra ở các tỉnh miền Trung năm 2016 do sự cố từ nhà máy thép Formosa với thiệt hại có thể còn vượt hơn con số 500 triệu USD mà doanh nghiệp này đã đền bù cho người dân những vùng ảnh hưởng. Thảm họa này đã khiến dư luận dù không muốn cũng phải đặt nghi vấn:  chúng ta đang phải trả một cái giá đắt hơn mường tượng?

Một năm sau, trong nghiên cứu “Phân tích GDP và sự phát triển bền vững về môi trường”, dựa trên phương pháp cân đối liên ngành Input - Output, Giáo sư Nguyễn Quang Thái và Tiến sĩ Bùi Trinh đã chỉ rõ thêm, lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Việt Nam thực sự đáng báo động, đặc biệt ở hai lĩnh vực mũi nhọn là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thải ra lượng GHG lớn nhất, gấp 3 lần mức bình quân của thế giới. Xét về phía cầu cuối cùng, qua tính toán, sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải GHG lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải GHG.

Từ một góc độ khác, dựa trên số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2010, lượng phát thải GHG của Việt Nam khoảng 247 triệu tấn, dự báo đến năm 2020, lượng phát thải GHG là 466 triệu tấn nhưng trong năm 2016, lượng phát thải GHG ước tính đã là 423 triệu tấn. Như vậy, tăng trưởng về GHG bình quân phát ra từ năm 2010-2016 khoảng 8%, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,2% trong giai đoạn này.
GDP: Hay nghi ve moi truong!
 

Chưa hết, nghiên cứu của Tiến sĩ Bùi Trinh và đồng sự Phạm Lê Hoa so sánh cơ cấu kinh tế và phát thải CO2 của Việt Nam và Trung Quốc cảnh báo, lượng phát thải CO2 bình quân cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc cao hơn Việt Nam khoảng 26% và trong hầu hết các ngành Trung Quốc có lượng phát thải CO2 cao hơn Việt Nam.

Khi đó, cùng với tỉ trọng nhập khẩu ngày càng tăng của Việt Nam từ Trung Quốc (từ 16% năm 2005 tới 30% năm 2015, trong đó hơn 90% nhập khẩu cho sản xuất) hiển nhiên là nguy cơ nhập khẩu ô nhiễm. Trong năm 2018, nhóm hàng máy móc thiết bị vẫn dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc với hơn 12 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2017 chứng tỏ, nỗi lo trở thành bãi đáp cho máy móc lạc hậu từ nước láng giềng chưa được xoa dịu.

Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề về môi trường đã rất nghiêm trọng. Theo  Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Đức Trường, Đại học Kinh tế Quốc dân, mỗi năm, chúng ta thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, bằng nửa con số này ở Trung Quốc là 10%.

Mức thu nhập GDP bình quân của Việt Nam còn cách khá xa ngưỡng chuyển đổi tối thiểu để đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xu hướng giảm ô nhiễm vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đưa ra được những quyết sách đúng đắn trong công tác bảo vệ môi trường.

Giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam không đơn giản nằm ở những câu chuyện đánh thuế môi trường lên xăng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm lượng khí thải hay kiểm soát ô nhiễm khói bụi. Quan trọng và căn bản là Việt Nam đang có một cơ cấu kinh tế tạo cơ hội cho ô nhiễm, đồng thời, đuổi theo thành tích tăng trưởng GDP gây sức ép lớn lên môi trường. Khi điều này chưa thay đổi, những biện pháp như dùng lá chuối gói thực phẩm được tuyên truyền rầm rộ thời gian vừa qua chẳng khác... muối bỏ bể.

 
Về dài hạn, vấn đề tăng trưởng kinh tế thực chất (đòi hỏi những nỗ lực khác xa với việc chỉ chăm chăm đạt mức tăng GDP) gắn liền với bảo vệ môi trường sống đã được xác quyết. Trong hình dung về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, mục tiêu đặt ra là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam...

Theo khung chính sách kinh tế Việt Nam tới năm 2035, trọng tâm cải cách bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia...; các động lực tăng trưởng được xác định là hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo... Tất nhiên, dù có bước đi với tâm thế lạc quan và những nỗ lực tối đa, con đường vẫn còn rất dài và rất xa.

Rõ ràng, chúng ta đang phải đối diện với một bài toán rất khó. Dẫu vậy, nói như Tiến sĩ Bùi Trinh khi trao đổi với NCĐT: Hãy nghĩ về môi trường và nghĩ dài hạn hơn. Từ đó sẽ thấy, việc đầu tiên cần làm là đừng quá háo hức thu hút FDI theo cách như trước nữa.

Theo Hoàng Hạnh
Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com