Xuất khẩu vải sang Trung Quốc. Ảnh TTO
“Dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, nhưng cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài”, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), PGS.TS Phạm Thế Anh, cảnh báo tại Hội thảo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý I/2019, chiều 11.4.
Nhà đầu tư lớn nhất
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý I/2019 của VEPR cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,79% so với cùng kỳ năm trước, trong Quý 1/2019, thấp hơn so với con số kỷ lục của năm 2018, mức 7,45%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đó.
Điểm đáng lưu ý, lượng vốn FDI vào Việt Nam đăng kí đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn 723,2 triệu USD.
VEPR ghi nhận FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu, khoảng 41,46 tỷ USD trong quý I/2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 57,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với ba thị trường dẫn đầu là Mỹ (13 tỷ USD), EU (10,2 tỷ USD) và Trung Quốc (7,6 tỷ USD).
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái một phần do việc xuất khẩu sang thị trường này ngày càng khó hơn.
Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng đã có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào Trung Quốc với những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước, bao gồm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả, hàng hóa có phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Cũng trong quý I, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 57,98 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. TS. Thế Anh nói nguyên nhân là do hai quốc gia Mỹ - Trung đang trong thời gian đình chiến và cố gắng đàm phán, đồng nội tệ Trung Quốc cũng đang có xu hướng giảm đi.
Điểm chú ý năm nay
Kinh tế Trung Quốc trong Quý 4/2018 tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, có sự sụt giảm nhẹ so với các Quý trước. VEPR cho đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, khiến tăng trưởng trong cả năm 2018 của Trung Quốc chỉ là 6,6%, mức tăng thấp nhất trong 28 năm qua.
Áp lực cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn tiếp tục khiến nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và có thể suy giảm xuống còn 6,3% trong năm 2019. Sang Quý 1/2019, đầu tư toàn xã hội của nước này tăng lên 6,1% (từ mức 5,9% của Quý 4/2018) trong khi đầu tư tư nhân lại giảm xuống còn 7,5% (từ mức 8,7% của Quý 4/2018).
Những quan ngại về kinh tế Trung Quốc ngày một cao khi tăng trưởng công nghiệp và đầu tư tư nhân của nước ngày dự kiến tiếp tục sụt giảm. Chỉ số PMI của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống dưới mốc 50 trong ba tháng liên tiếp.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong nước. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá CNY/USD biến động trong Quý 1 nhưng đang theo chiều hướng giảm, tới thời điểm hiện tại chỉ còn 6,71 CNY/USD. Đợt mất giá sâu nhất trong Quý 1 là ngày 27/02 với 6,68 CNY/USD.
Theo quan sát của TS.Thế Anh, có thể việc đồng CNY (Nhân dân tệ) yếu đã góp phần vào thặng dư thương mại với Mỹ ở mức cao nhất trong thập kỷ vừa qua tới 323,32 tỷ USD (tăng 17%) trong năm 2018. Trong bối cảnh đó, dự trữ ngoại hối tăng nhẹ trong Quý 1, từ 3087,924 tỷ USD tháng Một lên 3090,18 tỷ USD vào tháng Hai.
Thế giới chứng kiến nhiều biến động trong Quý 1/2019. Mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức khá, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn do cả những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia.
TS.Thế Anh cho rằng, việc các liên kết kinh tế lớn trên thế giới rạn nứt đã, đang và sẽ gây không ít những bất ổn cho các nước ASEAN, nhóm nước có tăng trưởng cao nhất, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thương mại và toàn cầu hóa.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hứa hẹn những cơ hội tích cực nếu như Việt Nam có thể nắm bắt. Tuy nhiên, thách thức cho Việt Nam là không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi khi không có lợi thế quy mô như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Trước những tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, TS. Thế Anh khuyến cáo: “Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này”.
Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng, sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một điểm cần chú ý trong năm nay.
Ông Thế Anh khẳng định: “Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước”.
Theo Hải Vân
Nhịp cầu đầu tư