Nếu như tháng 6 năm ngoái là tháng thăng hoa của đầu tư nước ngoài với hơn 7 tỷ USD vốn đăng ký, thì con số 1,73 tỷ USD trong tháng 6/2019 là khá khiêm tốn, điều này cũng khiến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài chung của 6 tháng đầu năm chững lại.
Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ do trong tháng 6/2018 có nhiều dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới (dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội - Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất Poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng - Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu...).
Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, có 1.723 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,41 tỷ USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Về điều chỉnh vốn, có 628 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,94 tỷ USD, bằng 66,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký. Không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Điểm sáng đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7 % tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vươn lên đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.
Sự đột biến về bảng xếp hạng đầu tư nước ngoài bởi một số dự án lớn từ các quốc gia này trong 6 tháng đầu năm 2019 như, dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD; Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR; Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang...
Theo Anh Phong
Báo Đầu tư