Toggle navigation
Dù “giậm chân tại chỗ” nhưng đừng xem nhẹ nông sản
29/12/2019 | 09:09 GMT+7
Chia sẻ :
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 tuy giảm mạnh nhịp độ tăng trưởng, trong đó xuất khẩu hàng nông sản thậm chí “giậm chân tại chỗ”, nhưng nông sản vẫn là nguồn đóng góp chủ chốt vào thành quả xuất siêu của Việt Nam.
Nông sản Việt trưng bày tại một hội chợ. Ảnh: THÀNH HOA

Tăng trưởng xuất khẩu giảm một phần do nông nghiệp

Số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, trong tổng số 12 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 20 tỉ đô la Mỹ/tháng trở lên (có số liệu thống kê đến hết tháng 10 vừa qua), chỉ hai quốc gia có tăng trưởng xuất khẩu dương và Việt Nam nằm trong số đó, còn 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới còn lại đều có mức tăng trưởng âm.

Trong điều kiện như vậy, tuy tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm nay của nước ta chỉ đạt gần 242 tỉ đô la, chỉ tăng 7,9%, tức là giảm rất mạnh so với mức tăng 14,6% của cùng kỳ, Việt Nam gần như chắc chắn vẫn là “ngôi sao sáng” trên bầu trời thương mại quốc tế năm nay.

Do vậy, trong tháng cuối năm, chỉ cần đạt kim ngạch như cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 500 tỉ đô la và hoàn toàn có khả năng cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, kết quả bất ngờ rất đáng mừng là nền kinh tế đã chuyển sang xuất siêu chưa từng có. Bởi lẽ, trong khi mục tiêu đề ra là kiềm chế nhập siêu dưới 3%, nhưng thực tế 11 tháng đã xuất siêu kỷ lục gần 11 tỉ đô la.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, những thành tựu đó góp phần rất quan trọng giúp “tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng” như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua đã nhấn mạnh.

Trong bức tranh chung sáng sủa đó, nếu chỉ nhìn thoáng qua, xuất khẩu hàng nông sản đã rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ”, nhưng cho dù như vậy thì đó vẫn là thành tựu rất đáng mừng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu 11 tháng đầu năm chỉ đạt 34,35 tỉ đô la, chỉ tăng không đáng kể hơn 300 triệu đô la và 0,9% so với cùng kỳ, còn tỷ lệ trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” chung của nền kinh tế thì giảm từ 15,2% xuống còn 14,2%, tức là xuất khẩu hàng nông sản góp phần làm giảm nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu chung của nền kinh tế.

Ẩn phía sau bức tranh đó là một thực tế khác


Trước hết, xét trên tổng thể, các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy giá hàng nông sản trên thị trường thế giới vẫn đang trên đà tụt dốc liên tục từ năm 2011 đến nay, cho nên đương nhiên xuất khẩu hàng nông sản của nước ta cũng phải đối mặt với khó khăn chưa từng có này.

Cụ thể, theo cơ quan này, chỉ số giá hàng nông sản thế giới từ mức đỉnh 151,5% năm 2011 (năm 2010 bằng 100%) đã liên tục giảm và năm 2018 chỉ còn 86,9%. Tiếp theo xu thế này, bình quân giá hàng nông sản trong 11 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm, chỉ còn 83%, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Rất rõ ràng, giá cả biến động như vậy đương nhiên làm cho giá trị “rổ hàng hóa xuất khẩu” trên thị trường thế giới “co lại” một cách tương ứng.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của hải quan cũng cho thấy, tác động của thị trường nông sản thế giới đối với xuất khẩu nhóm hàng này của nước ta là rất lớn.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản có số liệu thống kê về lượng và giá trị của Việt Nam 11 tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 11,9 tỉ đô la, giảm gần 1 tỉ đô la và 7,7% so với cùng kỳ. Nếu quy về giá cùng kỳ năm 2018, thì kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đã đạt gần 13,5 tỉ đô la, cho nên thực tế đã tăng hơn 600 triệu đô la và 4,8%.

Thực tế này có nghĩa là, trong xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng đầu năm nay, chúng ta đã bị thua thiệt về giá tới hơn 1,6 tỉ đô la, tương ứng với 13,6% kim ngạch xuất khẩu thực tế.

Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là, trong khi xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam phải đối mặt với khó khăn lớn như vậy, thì xuất khẩu các mặt hàng tương tự thuộc hai nhóm hàng khác là nhiên liệu và khoáng sản và hàng công nghiệp chế biến lại ít khó khăn hơn nhiều. Bởi lẽ, xuất khẩu các mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị thuộc hai nhóm hàng này, trong cùng kỳ đạt gần 14,3 tỉ đô la, chúng ta chỉ bị thua thiệt về giá hơn 1,1 tỉ đô la, tương ứng với tỷ lệ thua thiệt chỉ ở mức 8%.

Điều đó cho thấy, cho dù phải đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn, nhưng Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc trong việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản ra thị trường thế giới, chủ yếu để bù đắp vào khoản thua thiệt về giá “khủng” nói trên, cho nên phần còn lại để kéo xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng nông sản lên tăng trưởng dương chỉ rất nhỏ.

Cụ thể, trong khi gặp khó khăn lớn tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường ASEAN thì cũng đã chững lại, chúng ta đã tập trung xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ và một phần vào Nhật Bản.

Các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 11 tháng đầu năm cho thấy, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu vào thị trường Trung Quốc giảm 387 triệu đô la và 4,8%; thị trường Hàn Quốc giảm 206 triệu đô la và 10,5%; khu vực các thị trường khác cũng giảm 226 triệu đô la và 2%, còn thị trường ASEAN tăng không đáng kể, chúng ta đã tăng rất mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ với mức tăng 900 triệu đô la và 13%, biến thị trường này thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta thay vì Trung Quốc trước đó, còn thị trường Nhật Bản cũng tăng đáng kể 224 triệu đô la và 8,1%.

Cũng chính vì đã nỗ lực vượt bậc trong xuất khẩu như vậy, nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được kết quả xuất siêu kỷ lục nói trên.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong khi tổng kim ngạch xuất siêu của nền kinh tế trong 11 tháng đầu năm đạt hơn 10,9 tỉ đô la, thì riêng xuất siêu của nhóm hàng này đã đạt 8,8 tỉ đô la.

Nói tóm lại, cho dù phải đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn do biến động về giá cả của thị trường thế giới, cũng như những khó khăn cũng rất lớn từ một số thị trường quan trọng, nhưng với những nỗ lực vượt bậc, xuất khẩu hàng nông sản vẫn đạt được những thành tựu mới, góp phần rất quan trọng trong những thành tựu lớn của nền kinh tế trong năm 2019.

Theo Nguyễn Đình Bích
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com