Giấy Sài Gòn, nay đã là của người Nhật. Ảnh: Minh Tâm
Mấy bận bán mua...
Ngày 26-6-2018, báo chí đưa tin về việc Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã mua lại 95,24% cổ phần Công ty Giấy Sài Gòn với số tiền hơn 91,2 triệu đô la Mỹ. Trên trang web công ty này, ông Cao Tiến Vị, người sáng lập và gầy dựng Giấy Sài Gòn từ một cơ sở nhỏ được thành lập năm 1997, cũng có lời chào từ biệt, thông báo công ty chính thức được điều hành bởi nhà đầu tư mới. Sau 21 năm với rất nhiều thăng trầm, ông Vị đã buông tay với “đứa con” tinh thần và chỉ còn là cổ đông sáng lập, nắm giữ vài phần trăm cổ phần.
Cho đến thời điểm này, dòng tin tức này về Giấy Sài Gòn, vẫn được khá nhiều người nhắc lại, vì câu chuyện của Giấy Sài Gòn quá đặc biệt.
Lý do khiến ông rút khỏi cuộc chơi là “lãi suất cao, không thể làm công nghiệp; chính sách hay thay đổi, nhiều bất cập và dễ bị hình sự khi làm thật”.
Năm 2011, ông Cao Tiến Vị từng bán cổ phần cho Daio, một nhà sản xuất giấy lớn của Nhật Bản và Quỹ Đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản) để có nguồn lực giải quyết những khó khăn về tài chính khi đầu tư Nhà máy Giấy Mỹ Xuân 2 đúng thời điểm lãi suất ngân hàng tăng vọt, có thời điểm lên tới 20%/năm.
Nhưng hai năm sau đó, tức năm 2013, Giấy Sài Gòn mua ngược lại phần đã bán cho đối tác Nhật với nguồn tiền từ nhà đầu tư Mai Hữu Tín, Chủ tịch Công ty cổ phần Mai và Cộng sự (Mai &CO). Ông Tín đã bỏ ra 416 tỉ đồng để mua lại toàn bộ cổ phần (và cả nợ) của Daio và trở thành Chủ tịch của Giấy Sài Gòn. Ông Vị vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phần và trực tiếp điều hành công ty.
Sau thương vụ này, Giấy Sài Gòn tiếp tục đầu tư 120 triệu đô la Mỹ cho nhà máy sản xuất cùng hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Tình hình kinh doanh những năm sau đó được ghi nhận khả quan, doanh thu đạt hàng ngàn tỉ đồng và tiếp tục cạnh tranh tốt với các thương hiệu giấy nhập khẩu. Nhưng từ cuối 2017, trên thị trường cũng đã phong thanh chuyện Giấy Sài Gòn rao bán, có một vài nhà đầu tư hào hứng, trong đó có cả một chủ ngân hàng.
Trao đổi với TBKTSG ít ngày sau khi công bố chính thức về thương vụ bán công ty, ông Cao Tiến Vị chia sẻ, có nhiều cơ hội bán với giá tốt hơn nhưng cuối cùng bên ông đã chọn đối tác Nhật vì đây là lựa chọn tốt cho nhân viên, cho khách hàng và cho cả quốc gia. Và lý do khiến ông rút khỏi cuộc chơi là “lãi suất cao, không thể làm công nghiệp; chính sách hay thay đổi, nhiều bất cập và dễ bị hình sự khi làm thật”. Bản thân ông cũng từng phản biện chính sách, đề xuất mạnh nhưng “không ăn thua”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, khi nghe tin tức về Giấy Sài Gòn, bà có cảm giác đau và tiếc nuối vô cùng, vì bà biết ông Vị, biết về tâm huyết, về hành trình gầy dựng công ty từ hai bàn tay trắng, không có đặc quyền, cũng chẳng phải thân hữu của ai. Tiếc, đau còn vì đã, đang có vài trăm doanh nghiệp tương tự như Giấy Sài Gòn, sau thời gian lăn lộn, có được thành công nhất định, chuẩn bị lên quy mô vừa, lớn lại phải bán đi một phần hoặc toàn bộ công ty.
“Bán xong thì họ ra nước ngoài sinh sống, tài sản đi theo. Và cái mất lớn hơn là Việt Nam mất đi lứa doanh nhân đã tự trưởng thành trong môi trường không giống ai thời chuyển đổi”, bà Lan nói.
Là người có mối quan hệ thân thiết với nhiều doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), chia sẻ chính bà đã không ít lần được các chủ doanh nghiệp nhờ môi giới để bán công ty. Và tất nhiên, bà không nỡ từ chối giúp nhưng “xin” doanh nghiệp không cập nhật tình hình thương vụ vì không muốn buồn thêm.
Cũng có một số chủ doanh nghiệp thân thiết, bán công ty xong, sang nước ngoài rồi thì mới nhắn tin về chia sẻ chính thức. Chuyện bán doanh nghiệp diễn ra nhiều trong năm 2018 (và đang tiếp tục trong năm 2019), cũng chính là lý do Hội Doanh nghiệp HVNCLC phải cập nhật, hiệu chỉnh về loại hình công ty của nhiều doanh nghiệp khi in ấn tài liệu.
Doanh nghiệp “lăn lóc giữa đời”
“Bán xong thì họ ra nước ngoài sinh sống, tài sản đi theo. Và cái mất lớn hơn là Việt Nam mất đi lứa doanh nhân đã tự trưởng thành trong môi trường không giống ai thời chuyển đổi”.
Bà Phạm Chi Lan
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, có rất nhiều lý do để doanh nhân đi đến quyết định cuối cùng là... bán. Trong đó, có không ít trường hợp bán đi rồi lập doanh nghiệp mới. Nhưng, không khó thấy là các nhà doanh nghiệp mệt mỏi. Trên thị trường thì cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc (gồm cả hàng giá rẻ, hàng giả), Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ngay cả những lĩnh vực vốn là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước như nông sản, thực phẩm, mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ có công nghệ, tài chính... mà còn có những chiến lược tiếp thị, truyền thông có chiều sâu để lấy lòng người tiêu dùng, khách hàng.
Trong khi đó, hoạt động thì bị đủ kiểu “hành” với những cuộc kiểm tra, làm khó làm dễ ở cửa khẩu, ở nhà máy hay ở khâu kê khai thuế... Doanh nghiệp gọi chung là “chi phí ban ngành”. Các chính sách hỗ trợ dù đã công bố nhưng xuống đến các bộ, ngành, địa phương thì “bốc hơi” đi nhiều. Các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đáng lẽ cần được trân trọng, yêu quý và chăm sóc thì lại đang “lăn lóc giữa đời”.
Bà Phạm Chi Lan đồng tình, sau nhiều năm, doanh nghiệp tư nhân mới được thừa nhận là “động lực của nền kinh tế” và mới đây là “động lực quan trọng” trong các văn bản, quyết nghị nhưng thực tế thì chưa thấy điều đó. Nguồn lực nhà nước (như đất đai, ưu đãi thuế...), phần lớn rơi vào các doanh nghiệp nhà nước rồi đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phần ít ỏi còn lại rớt xuống các đại gia có quan hệ thân hữu. Các doanh nghiệp nhỏ, không có quan hệ thì không biết kêu ai, gõ ai. Đó là chưa kể còn bị trói chân trói tay bằng đủ “các giấy phép con”, điều kiện kinh doanh trong khi thị trường trong nước thì đã mở toang bằng hàng chục hiệp định thương mại tự do.
“Như Công ty Thép Việt của anh Đỗ Duy Thái. Để mở nhà máy thép, anh ấy phải làm trên hai mảnh đất khác nhau. Trong khi đó, một doanh nghiệp Đài Loan thì lại được cho thuê một mảnh đất còn to hơn”, bà Lan dẫn chứng.
Chính những mệt mỏi, bất lực trong việc tiếp cận nguồn lực hỗ trợ này, cùng với những khó khăn nội tại như năng lực quản trị, tài chính, công nghệ..., theo bà Lan, đã khiến nhiều doanh nghiệp gần như không có lựa chọn nào khác là bán công ty nếu muốn giữ được tài sản. Những doanh nghiệp cố giữ thì đang phải đối mặt với những bấp bênh, rủi ro.
Và đây là nỗi buồn cho đất nước bởi nhìn đi nhìn lại không tìm thấy những công ty có lịch sử hàng trăm năm như các quốc gia khác. Quan trọng hơn, thực trạng này còn cho thấy nội lực đang bị đe dọa, nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại lực.
Vì vậy, theo bà Lan, việc cần làm của Chính phủ lúc này là phải rà soát, nhìn lại chính sách và biến thành hành động cụ thể với khối doanh nghiệp tư nhân để có thể tăng cường nội lực, nội sinh của nền kinh tế. Trong đó, việc quan trọng là công bằng trong phân bổ nguồn lực nhà nước, thể hiện ở các chính sách về đất đai, thuế, tự do thương mại... giữa các doanh nghiệp. Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng công nghệ, liên kết với nhau.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn