Toggle navigation
Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may Việt Nam
03/05/2019 | 08:35 GMT+7
Chia sẻ :
Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may, do vậy các nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình, thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh CPTPP vừa có hiệu lực.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.

Chủ đề doanh nghiệp và CPTPP là một trong những nội dung quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng ngày 2/5.

CPTPP là xương sống, nhưng không thể đỡ được cả cơ thể

Theo đó, trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ ngày 30/12/2018, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. 

Với quy mô 11 quốc gia, Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. 

Theo tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2030.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định CPTPP có mức độ cam kết rộng, sâu hơn, không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ... mà còn có những cái mới như lao động, doanh nghiệp... 

Đặc biệt, hiệp định đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân.

Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế. CPTPP hỗ trợ tiến trình đổi mới, tăng trưởng, giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, liêm chính, khách quan của bộ máy nhà nước. 

Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, Hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến Việt Nam thành thị trường sản xuất mới của họ, thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.

"Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP", ông Khánh nói.

Bàn luận sâu hơn về tác động của CPTPP đến từng lĩnh vực, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không đỡ được cả cơ thể vì cần có nền tảng.

Ông Giang cho rằng quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. 

"Vai trò của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành là Hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Bởi những nước thành viên như Singapore, Malaysia không phải những nước dệt may", ông Giang nói.

Ông Giang nhận định, các giải pháp của Chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và dệt may da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu nước, điện, lao động... Vai trò của Chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở.

"Một số địa phương dị ứng với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Kiểm soát nó phải đưa ra các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển. Nếu không có hạ tầng, đừng có nói mời ai vào", ông Giang thẳng thắn.

Ông Vũ Đức Giang cho biết định hướng của Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn lực rất cần thiết. Đặc biệt, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển.

Vì vậy, ông Giang đề xuất vướng mắc về giải pháp chuỗi cung ứng trong toàn ngành. 

"Phải có những định hướng của Chính phủ, Bộ Công Thương để tạo dựng nền tảng", ông Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam

Doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 70% ngành dệt may

Một thách thức khác đang đặt ra đối với ngành dệt may hiện nay được ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam chỉ ra là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại.

Ông Tuấn cho biết, trong 18 năm qua ngành dệt may đạt tốc độ phát triển 15%. Đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công.

Tuy nhiên, nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Cho nên, Hiệp định này vừa là thách thức, vừa là cơ hội.

"Các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% trong ngành dệt may, vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Bởi hiện nay, ngành dệt may Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu lớn mà còn tạo ra nhiều doanh nhân", ông Tuấn nói.

Để làm được điều đó, ông Tuấn cho rằng, cần quy hoạch cụ thể, cần đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Ngoài ra, cũng cần sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương, các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh cho biết, CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.

"Trong thời gian dài chúng ta phải đi nhập khẩu sợi, vải. Ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng chưa đủ lớn. Vì đầu tư vào dệt cần đến vài trăm triệu USD. Nếu đầu tư như thế mà không có đầu ra, không bán được vải thì sẽ phá sản. Đây là khó khăn lớn. Chúng ta cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng. Cần có mối liên hệ với những người mua hàng ở nước ngoài để họ chỉ định mua hàng của chúng ta", ông Khánh nhận định.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ ra một khó khăn khác đối với ngành hiện nay là không có sự thống nhất giữa mỗi địa phương với Nhà nước.

"Nếu mua vải trong nước, phải mất 10% VAT nhưng bao giờ chúng tôi mới được thoái mới quan trọng. Giá của ngành dệt may Việt Nam không tăng trong 5 năm nay, xuất khẩu cũng không tăng nhưng mà chi phí y tế, xuất khẩu... lại tăng. Giờ lao động càng ngày bị thắt chặt. Đây là một bài toán rất khó cho doanh nghiệp", ông Giang nói.

Ông Giang cũng cho rằng, hiện ngành dệt may không phải đi tìm khách hàng mà khách hàng tự tìm tới. Nhưng cái khó là quan điểm mỗi địa phương một kiểu, bảo vệ an toàn một kiểu, không có sự thống nhất quan điểm của Nhà nước, Chính phủ.

"Theo tôi, doanh nghiệp chỉ được hưởng một ít ở Hiệp định CPTPP. Tôi cho rằng phải có một cuộc tranh luận, phân tích thấu đáo. Cơ quan quản lý nhà nước cùng ngồi với ngành để giải quyết vấn đề", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.

Theo Duyên Duyên
Vneconomy
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com