Toggle navigation
Doanh nghiệp ‘họ’ Sông Đà: Kinh doanh èo uột, nợ thuế và bảo hiểm xã hội
16/05/2018 | 07:45 GMT+7
Chia sẻ :
Chưa khi nào doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà lại được nhắc đến nhiều như lúc này. Bên cạnh kết quả kinh doanh èo uốt, doanh nghiệp “họ” Sông Đà, nợ thuế khủng.


Tòa nhà Sông Đà. Ảnh: Tập đoàn Sông Đà

Xây dựng Hạ tầng Sông Đà vẫn chìm trong thua lỗ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (mã chứng khoán SDH) cho thấy doanh nghiệp này đạt doanh thu 300 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước, khiến lỗ ròng 2,4 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, doanh thu của Xây dựng Hạ tầng Sông Đà đạt 300 triệu đồng, nhỏ hơn rất nhiều con số hơn 5,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí giá vốn doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp ở mức 213 triệu đồng.

Doanh thu thấp cộng thêm gánh nặng chi phí tài chính và chi phí quản lý phát sinh trong kỳ dẫn tới SDH ghi nhận lỗ 2,4 tỷ đồng trong quý 1, kéo dài chuỗi ngày hoạt động thua lỗ của mình.

Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Sông Đà đang là chủ đầu tư Dự án KCN Yên Phong II - Bắc Ninh

Tính tới cuối quý I, lỗ lũy kế của SDH đã vượt mức 246 tỷ đồng kéo vốn chủ sở hữu xuống 9,2 tỷ đồng.

Hiện tại, SDH vẫn đang nợ 314 tỷ đồng, trong đó, 312 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, 2 tỷ đồng là nợ dài hạn, khiến doanh nghiệp chịu 1,3 tỷ đồng tiền lãi vay.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ của SDH là 1,3 tỷ đồng, gấp nhiều lần doanh thu.

Đáng nói, từ 2014, SDH chìm sâu trong thua lỗ. Việc thua lỗ triền miền đã khiến cổ phiếu SDH đã phải hủy niêm yết trên sàn hồi tháng 9/2017 và chuyển về sàn UPCoM.

Hiện tại, thị giá cổ phiếu này chỉ ở mức 1,600 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch bình quân 45,000 cổ phiếu/phiên trong một năm qua.

Cổ phiếu SDH cũng nằm trong nhóm chưa được giao dịch ký quỹ theo thông báo của HNX.

Nợ 355 tỷ đồng tiền thuế

Cục Thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục công khai đợt tháng 4 năm 2018 danh sách 143 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với số nợ 711.936 triệu đồng.

Trong đó, có 135 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền 688.419 triệu đồng. Điều đáng chú ý, trong 135 doanh nghiệp nợ thuế, phí có 25 doanh nghiệp nợ lớn với số tiền 648.095 triệu đồng, Cục Thuế đã đăng công khai từ năm 2015 hoặc 2016.

Đứng đầu danh sách nợ Công ty Cổ Phần Sông Đà Thăng Long có địa điểm tại Khu đô thị mới Văn Khê, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội, số tiền nợ lên tới gần 355 tỷ đồng.

Trước đó Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đưa toàn bộ 15 triệu cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long vào diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM. Nguyên nhân được HNX đưa ra là vốn chủ sở hữu trên báo cáo kiểm toán năm 2015 của công ty đã bị âm tới 2.206 tỷ đồng. Việc hạn chế sẽ chỉ được hủy bỏ khi doanh nghiệp khắc phục được việc thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nói trên.

Sông Đà Thăng Long đã huy động hàng nghìn tỷ của khách hàng tại dự án Usilk City. Ảnh: Ngọc Tuyên

Đây là hệ quả sau một thời gian dài Sông Đà Thăng Long bị thua lỗ triền miên. Dù từng là một trong những cổ phiếu hấp dẫn trên thị trường với mức giá giao dịch xấp xỉ 90.000 đồng (năm 2010), song suốt cả năm nay, giá STL chỉ dao động quanh mức 2.000-4.000 đồng.

Được thành lập từ cuối năm 2006 từ một chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các dịch vụ về nhà ở, khu đô thị... Với xuất thân gia đình có nhiều người từng nắm giữ vai trò lãnh đạo tại những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản, ở tuổi ngoài 30, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Sông Đà Thăng Long khi đó được coi là một trong những doanh nhân trẻ, có "máu mặt" trên thị trường.

Chỉ hơn vài tháng sau khi thành lập, Sông Đà Thăng Long khởi công Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) - dự án đầu tay của đơn vị này, rộng gần 24ha gồm 6 tòa chung cư và gần 1.000 căn biệt thự, liền kề cùng các hạng mục hạ tầng khác như trung tâm thương mại, trường học.... Không lâu sau đó, tháng 9/2008, cổ phiếu của doanh nghiệp được niêm yết trên sàn Hà Nội với mã STL và nhanh chóng trở thành mã được giới đầu tư săn đón.

Cùng lúc, doanh nghiệp khởi công tổ hợp Usilk City, gồm 13 khối chung cư cao cấp 25-50 tầng với trên 3.000 căn hộ, diện tích 9,2ha. Tổng mức đầu tư của dự án được công bố cũng lên tới 10.000 tỷ đồng mặc dù khi đó vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ là 150 tỷ. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông.

Thời kỳ phát triển đỉnh cao của Sông Đà Thăng Long là vào năm 2008 - 2010, công ty đầu tư hơn 20 dự án bất động sản, vật liệu xây dựng… trải khắp từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng, Nha Trang, Phú Yên, TP HCM.

Tuy nhiên, từ năm 2011, khi thị trường bất động sản chao đảo, hoạt động của Sông Đà Thăng Long bắt đầu bộc lộ những điểm yếu. Các dự án của doanh nghiệp tuy đã huy động tiền của khách hàng nhưng không thể triển khai đúng tiến độ. Suốt từ cuối năm 2012, hàng trăm khách hàng mua dự án Usilk City nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan quản lý kêu cứu về tình trạng "đắp chiếu" và không bàn giao đúng tiến độ mặc dù chủ đầu tư đã huy động của khách hàng hơn 4.000 tỷ đồng. Việc khiếu kiện đến nay vẫn chưa kết thúc.

Không riêng Usilk City, nhiều dự án khác của Sông Đà Thăng Long cũng dang dở như Dragon Pia, Cồn Tân Lập, Uplaza (Nha Trang), Trương Đình Hội II (TP HCM)…

Nợ bảo hiểm xã hội

Đầu tháng 4/2018, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã làm việc với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trước khi chuyển sang cơ quan công an. Trong danh sách này có hai cái tên thuộc “họ” Sông Đà là: Cổ phần Sông Đà 207 và Công ty Cổ phần Cơ khí-Lắp máy Sông Đà.

Tại buổi làm việc ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết sau buổi làm việc với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, chiều ngày 4/4 tại Hà Nội.

“10 doanh nghiệp trên có số nợ bảo hiểm xã hội lớn, đã được nhắc nhở, thanh tra và xử phạt nhưng vẫn để tồn tại số tiền nợ bảo hiểm xã hội quá 6 tháng tới thời điểm này. Đây là những căn cứ để chúng tôi thực hiện theo quy định của Luật Hình sự hiện hành”, ông Vũ Đức Thuật nói.

Được biết, tới hết tháng 3/2018, số tiền nợ bảo hiểm xã hội của 10 doanh nghiệp trên là 22,4 tỉ đồng, tương ứng với 330 tháng đóng bảo hiểm xã hội và ảnh hưởng quyền lợi của 311 lao động chưa được xác nhận thời gian đóng trên sổ bảo hiểm xã hội.

Theo Hoàng Lâm
Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com