Toggle navigation
Đầu năm, lo chuyện lãi suất
09/03/2019 | 02:11 GMT+7
Chia sẻ :
Các ngân hàng tiếp tục chạy đua huy động vốn để chuẩn bị cho chiến lược mang tính bản lề trong năm nay.

Ảnh: Quý Hòa

Áp lực lãi suất năm 2019 chưa hề giảm bớt ngay từ đầu năm. Khảo sát thị trường cho thấy có nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chẳng hạn, Eximbank tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên đến 8,3%/năm (tăng 0,2 điểm phần trăm), hay Techcombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ mức 6% lên 6,3%/năm.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đang duy trì ở mức cao, trong đó chủ yếu là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Chẳng hạn, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng Bản Việt khoảng 8%/năm, hay VIB lên đến 8,4%/năm. Điều đáng chú ý là mức điều chỉnh này cũng gần tương tự so với thời điểm trước Tết Nguyên đán với sự tham gia của rất nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, có thể thấy chênh lệch lãi suất kỳ hạn 6 tháng mà các ngân hàng công bố là rất lớn (từ 5,5-8%/năm), nhưng lại khá tương đồng ở kỳ hạn 12 tháng trở lên (quanh mức 7-8,4%).

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 1.2019 của SSI cho biết, lãi suất tiền đồng tiếp tục duy trì ổn định ở thị trường 1. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4,8-5,5%/năm, kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng ở mức 5,5-7,5%/năm, còn kỳ hạn 12-13 tháng ở mức 6,8-8,0%/năm. Đến cuối tháng (tức thời điểm cận Tết), một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm nhẹ 0,1-02 điểm phần trăm trên biểu lãi suất công bố. “Tuy nhiên, lãi suất thỏa thuận thực tế ít thay đổi, cá biệt có trường hợp còn nhích nhẹ ở kỳ hạn dài 12-13 tháng”, báo cáo SSI nhận định.
Dau nam, lo chuyen lai suat
 

Trong khi đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy thanh khoản trong hệ thống tích cực hơn trong tuần đầu tiên sau Tết. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã rút ròng 51.558 tỉ đồng trên kênh thị trường mở và tín phiếu. Tương tự, trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng trung bình có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt là lãi suất qua đêm về mức 4,7%/năm (giảm 0,41 điểm phần trăm).

Theo các chuyên gia, một lượng tiền mặt đáng kể đã được rút ra để chi tiêu trong dịp Tết. Vì vậy, sau kỳ nghỉ lễ, các ngân hàng bắt đầu đua nhau hút tiền về, nhất là khi các kênh đầu tư khác chưa thu hút người dân vào dịp đầu năm. Trên thực tế, đây không chỉ là cơ hội để tăng nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh trong năm 2019, mà còn là dịp để các ngân hàng cơ cấu và cân đối lại cấu trúc nguồn vốn. Năm nay cũng được xem là năm bản lề thay đổi của các ngân hàng, phải bổ sung vốn để đáp ứng các tiêu chí an toàn cao hơn trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, đặc biệt khi các ngân hàng phải giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (từ 50% về còn 40%).

Bên cạnh động thái tăng cường huy động vốn của các ngân hàng, lãi suất còn phụ thuộc vào nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy nhu cầu vốn trên thị trường từ đầu năm 2018 đã bắt đầu xuất hiện các điểm khác biệt so với giai đoạn trước đây.

Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại, ước chỉ khoảng 14% trong năm 2018, trong khi con số kế hoạch là 17%. Trong năm 2019, cơ quan quản lý thậm chí còn đặt ra con số mục tiêu tăng trưởng chỉ là 14%, nhưng đồng thời cho biết cũng sẽ “linh hoạt” tùy theo điều kiện kinh tế.
Dau nam, lo chuyen lai suat
 

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy yếu tố mùa vụ của nhu cầu vốn trong nền kinh tế cũng đang thay đổi. Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nếu như trước đây tín dụng tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm thì năm 2018 lại tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Thực tế là mấy năm nay, các ngân hàng đang cố gắng cân đối chia đều tăng trưởng vào các quý khác nhau, chứ không “dồn” vào cuối năm như trước đây.

Trong năm nay, áp lực tăng trưởng tín dụng đã không còn như mọi năm trước, khi các chỉ báo kinh tế như tỉ giá, lạm phát hay xuất khẩu đều tích cực. Tuy nhiên, quốc gia có độ mở thương mại ngày càng lớn, đồng thời cũng đối mặt với các áp lực lớn hơn từ thị trường quốc tế, bao gồm tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trước diễn biến này, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng khi dự báo về lãi suất. “Lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm. Tuy vậy, các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh nên rất khó để đưa ra đoán định diễn biến trong trung và dài hạn”, SSI cho biết hồi đầu năm.

Áp lực sẽ đến từ việc các đồng tiền trên thế giới thi nhau giảm giá khi lãi suất cơ bản của đồng USD tiếp tục được nâng lên, dự kiến là 2 lần trong năm 2019 và 1 lần trong năm 2020. Tiền đồng vì thế chịu áp lực tăng lãi suất để tránh mất giá so với đồng bạc xanh. “Không thể kỳ vọng giảm lãi suất trong khi các đồng tiền khác đều tăng, nhưng cũng đã đến ngưỡng, khó mà tăng nhiều trong năm 2019”, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận định.  Thống kê trước đó cho thấy có 17/28 tổ chức tín dụng đánh giá rằng lãi suất sẽ tăng, với mức không đáng kể.
Dau nam, lo chuyen lai suat
 

Đầu năm nay, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh tiếp tục cam kết sẽ giảm 0,5% lãi suất cho vay, xuống còn 6% đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Việc giảm lãi suất này nằm trong “tầm tay” của nhóm các ngân hàng lớn khi thanh khoản đang dư thừa, nhưng với các ngân hàng nhỏ thì chuyện này là không hề dễ dàng. Theo ông Tú Anh, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tiếp tục bị hạn chế, các ngân hàng sẽ phải “chọn lọc” khách hàng kỹ càng hơn nhiều so với trước đây.

Theo các chuyên gia, áp lực tăng lãi suất đến từ yếu tố bên ngoài (như Mỹ tăng lãi suất hay biến động trên thị trường hàng hóa) và cả yếu tố nội tại bên trong (giảm tăng trưởng tín dụng). Tuy nhiên, mức độ tăng giảm như thế nào thì sẽ còn phụ thuộc nhiều vào cách thức điều hành, vốn theo hướng “linh hoạt” như cơ quan quản lý đưa ra trong nhiều năm trở lại đây.

Theo Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com