Toggle navigation
Đại gia Thái Lan quyết chơi đến cùng: Nhà sẵn tiền, mất ngàn tỷ không 'rơi lệ'
17/05/2018 | 05:00 GMT+7
Chia sẻ :
Lỗ ngay ngàn tỷ trong thương vụ vừa chưa ráo tay, ông trùm ngành nhựa tiếp tục vung tiền để củng cố vị trí số 1 tại Việt Nam.

Nawaplastic, thành viên của tập đoàn SCG Thái Lan, vừa thông báo về việc đăng ký mua vào 2.865.100 cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh trong khoảng thời gian từ 14/5 đến 12/6 bằng phương pháp khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận.

Nếu mua thành công, Nawaplastic sẽ nắm giữ 44,5 triệu cổ phiếu tương ứng 54,39% vốn điều lệ của nhựa Bình Minh.

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu BMP đã tăng trần 6,9% lên 56.100 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm mà Nawaplastic bỏ ra cả trăm triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp nhựa lớn nhất Việt Nam.

Trước đó, trong tháng 3/2018, Nawaplastic bỏ ra khoảng 2.300 tỷ để mua vào 24,16 triệu cổ phiếu BMP ở mức giá quanh 100.000 đồng/cp. Sau đó, BMP đã lao dốc xuống còn khoảng 50.000 đồng/cp. Nawaplastic đã lỗ ngay khoảng hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Giá cổ phiếu lao dốc sau khi giao dịch lớn kết thúc là một hiện tượng thường thấy khi một doanh nghiệp bị thâu tóm. Giới đầu đầu tư lo ngại bên thâu tóm sẽ chỉ mua một lượng cổ phiếu đủ lớn để đạt mục tiêu của mình sau đó sẽ không mua nữa. Các cổ đông nhỏ lẻ còn lại sẽ gặp khó khăn khi bán cổ phiếu.

Trong vài năm gần đây, nhiều cổ phiếu đã rơi vào tình trạng như vậy như: Sabeco, ALP, TAG, SWC, Cavico,... Các cổ phiếu này đã giảm giá mạnh sau khi được mua hoặc kỳ vọng mua ở mức giá cao. 


Trong phần lớn các vụ M&A, hiện tượng đón sóng biến động giá đều diễn ra. Nhiều cổ phiếu tăng giá rất mạnh do kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư đón đầu các thương vụ này trong nhiều tình huống lại có thể khiến nhà đầu tư nhận những trái đắng khó lường. Nhiều cổ phiếu sau đó quay đầu giảm giá rất mạnh.

Trong một số trường hợp, nhờ thay đổi quản trị và chất lượng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giá cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh như trường hợp Dược Cửu Long, Khoán sản Bình Dương (KSB),...

Còn với Nhựa Bình Minh, cú thâu tóm hồi tháng 3 đã khiến đại gia Thái thua lỗ khủng khi giá rớt khoảng 50% trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, game thâu tóm này vẫn chưa kết thúc. Với mức giá trở về thấp như hiện tại, Nawaplastic lại đang tiếp tục mua vào.

Trong thương vụ này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái vốn thành công. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng thu về được khá nhiều tiền. Những cổ đông còn lại cũng sắp bán được mức giá cao hơn khi mà cổ phiếu BMP đang tăng mạnh trở lại.

Còn với Nawaplastic, quyết định mua với mức giá cao đã nằm trong kịch bản. Tỷ phú Thái thâu tóm DN Việt với giá cực đắt với một chiến lược đã vạch ra từ trước.

Gần đây, các tỷ phú Thái thâu tóm DN Việt như Metro, BigC, Sabeco, Nhựa Bình Minh,... đang dồn dập đưa người vào điều hành. Tại ĐHCD, Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái) cho biết họ không phải là nhà đầu tư tài chính, mà tới để quản trị doanh nghiệp và sẽ tìm kiếm các giải pháp giúp các công ty sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Thời gian gần đây, dòng vốn ngoại vẫn dồn dập đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu đầu ngành, ví như Nhựa Bình Minh.

Nếu không thâu tóm được, thì các quỹ ngoại hoặc/và các nhà đầu tư lớn nước ngoài cũng nắm giữ một tỷ lệ lớn tại các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như: Bia, sữa, bánh kẹo, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, ngân hàng,...

TTCK chứng kiến áp lực chốt lời sau 1 năm 2017 và quý 1/2018 tăng vọt. Các cổ phiếu blue-chips cũng giảm mạnh, nhiều mã giảm tới 20%. Khối ngoại cũng có xu hướng bán ra trong gần 2 tháng qua. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đầu ngành, các tổ chức đầu tư dài hạn vẫn đang nắm giữ cổ phiếu Việt.

Các cổ phiếu như SBT, GAS, VRE, VJC,... đang được khối ngoại mua ròng khá mạnh.

Theo Vietnamnet
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com