Các đại biểu lo ngại việc tăng giá điện ảnh hưởng tới giá cả, lạm phát, đời sống nhân dân.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội sáng 30/5, hầu hết các ý kiến trong số 13 đại biểu phát biểu đều quan tâm đến giá và vấn đề điều hành giá điện.
Với việc tăng giá điện bán lẻ bình quân 8,36% từ ngày 20/3, Chính phủ đã có giải trình và khẳng định đúng quy trình. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho biết: "Vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm không phải là việc tăng giá đúng quy định hay không, vì Chính phủ đã tăng phải đúng quy định". Theo đại biểu này, vấn đề cử tri yêu cầu là đánh giá ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vì giá điện ảnh hưởng đầu vào, kết tinh ra giá bán, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống.
Trong khi đó, tiền lương của cán bộ công chức viên chức không tăng. "Việc tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ", ông Hận yêu cầu. Vị đại biểu đề nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) chỉ ra việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất gây bức xúc cho người dân. Bà Phúc đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng "té nước theo mưa để tăng giá các mặt hàng khác". Vị đại biểu cho rằng các cơ quan cần đẩy mạnh theo dõi thị trường, kiểm tra việc kê khai giá của các doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp nếu có biến động.
Vấn đề giá điện làm "nóng" nghị trường Quốc hội sáng 30/5. Ảnh minh hoạ: Lao Động.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cùng quan điểm yêu cầu Chính phủ xử lý tránh để việc tăng giá điện, xăng sẽ ảnh hưởng đến mực tiêu kiểm soát lạm phát.
"Từ khi có ngành điện, giá điện tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), mở đầu phần phản biện về việc tăng giá điện.
Khác với quan điểm của đại biểu Hận, đại biểu Cương dẫn ý kiến của các cử tri và cho rằng người dân có quyền nghi ngờ lý do tăng giá điện và thời điểm tăng giá.
"Kỳ tăng giá điện rất nhiều điều mập mờ. Người dân có quyền nghi ngờ mức tăng giá 8,36% không chính xác khi hóa đơn phải trả trong tháng đầu sau điều chỉnh tăng gấp đôi, gấp 3", ông Cương nói. Vị đại biểu phân tích, tất nhiên không phải người dân không biết tháng nắng nóng tiền điện sẽ tăng cao và tiền điện sẽ lớn khi dùng ở các bậc cao nhưng khi so với giá điện giá bán lẻ điện bình quân.
Vị đại biểu đặt dấu hỏi về thời điểm tăng giá điện của EVN đúng lúc giao mùa, thời tiết nắng nóng và cho rằng đây là cách để cơ quan này dễ dàng giải thích khi giá điện tăng.
Ông Cương chất vấn lý giải tăng giá điện để tăng nguồn tiền cho việc tái đầu tư, theo vị đại biểu: "Với một doanh nghiệp độc quyền Nhà nước thì điều đó có cần?". Ông Cương đề nghị công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để thấy bức tranh độc quyền của EVN.
Tại phần phát biểu trước đó, bà Nguyễn Thị Phúc cũng cho rằng thời điểm tăng giá điện không phù hợp. Bà đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện lần này và đưa ra phương án xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Trước đó, ngày 20/3, Bộ Công Thương công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Việc tăng giá này nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận.
Theo Nam Anh
NDH