Toggle navigation
Con kênh... xuất khẩu gạo
14/05/2018 | 10:45 GMT+7
Chia sẻ :
Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) không chỉ là "vựa lúa" của VN mà còn của thế giới. Suốt hơn 140 năm qua, tàu thuyền vẫn miệt mài chở lúa gạo qua kênh Chợ Gạo về Sài Gòn rồi đưa đi khắp nơi.

Gạo chất đầy kho tại Tiền Giang chuẩn bị chuyển xuống sà lan chở về các cảng ở TP.HCM xuất khẩu - Ảnh: V.TR.

Trên kênh Chợ Gạo có khoảng 30% sà lan chở gạo. Những chiếc sà lan khổng lồ có tải trọng từ 1.000-2.000 tấn chở đầy gạo chỉ còn nhú lên khỏi mặt nước khoảng 1m.

Mở đường cho... gạo

Một số tư liệu trong tập san của Phòng thương mại Sài Gòn (Bulletin de la Chambre de commerce de Saigon) được lưu trữ ở Thư viện quốc gia Pháp ghi nhận trong giai đoạn 1881-1933 lúa gạo là sản phẩm đứng đầu về số lượng và giá trị xuất khẩu từ cảng Sài Gòn - Chợ Lớn đến các thị trường thế giới.

Năm 1869 một người Mỹ tên Andrew Spooner đã xây dựng cơ sở xay lúa đầu tiên ở Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Và đến năm 1874 cũng chính ông đã xây dựng nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước đầu tiên tại đây. 

Xuất khẩu gạo mang lại nguồn thu lớn nên Pháp đã cho đào kênh Chợ Gạo (Canal Duperrée) nhằm mục đích vận chuyển lúa gạo từ miền Tây về Sài Gòn - Chợ Lớn để xuất khẩu. 

Năm 1877 kênh Chợ Gạo khánh thành, năm 1885 hàng loạt nhà máy xay lúa mọc lên ở dọc rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. 

Đó là các nhà máy của Công ty Rizerie à Vapeur, nhà máy của Công ty Rizerie Saigonnaise. Ngoài ra còn có rất nhiều cơ sở nhỏ buôn bán lúa gạo và xay lúa do người Hoa và người Việt làm chủ.

Hơn 100 năm đã qua, kênh Chợ Gạo vẫn gánh vác trách nhiệm quan trọng (xuất khẩu gạo) này, giúp hàng triệu nông dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long có cuộc sống ấm no

Theo Phạm Quang Trung (Nghiên cứu lịch sử số 6, năm 1985), nếu như năm 1860 Nam kỳ chỉ xuất khẩu được 53.000 tấn gạo thì sang năm 1880 đã xuất tới 294.500 tấn nhờ có kênh Chợ Gạo. Mười năm sau, sản lượng xuất khẩu tăng vọt lên 747.600 tấn. 

Cứ thế, sản lượng gạo ở Nam kỳ xuất khẩu không ngừng tăng lên qua từng năm. Năm 1940, Pháp đã xuất khẩu tới hơn 1,4 triệu tấn; lợi nhuận thu được vô cùng lớn, khoảng 140 triệu francs.

Giao thông đường thủy thuận lợi, nhu cầu gạo xuất khẩu tăng nên người Pháp, người Việt và người Hoa đã tổ chức các đồn điền trồng lúa ở miền Tây. 

Tài liệu nghiên cứu của GS Nguyễn Phan Quang dẫn tư liệu Robequain cho biết mặc dù xuất khẩu gạo thời Pháp thuộc rất mạnh, nhưng khâu thu mua lúa để xay xát bị chi phối bởi thương lái người Hoa. 

Dấu mốc quan trọng đối với ngành xuất khẩu gạo VN là vào năm 1910 khi Pháp thành lập Hiệp hội lúa gạo Viễn Đông tại Sài Gòn. Khi đó bốn nhà máy xay lúa giữ vai trò chính trong việc chế biến gạo xuất khẩu gồm: Orient, Tong Wo, Ban Hong Guan và Les Joncques. 

Bốn nhà máy này sản xuất 2.650 tấn gạo/ngày đêm, chiếm phân nửa sản lượng gạo xuất khẩu của Đông Dương. Trong đó nhà máy Tong Wo được xem là xưởng lúa gạo quan trọng nhất trên thế giới.

Để kịp thời vận chuyển lúa từ miền Tây về Sài Gòn - Chợ Lớn xay xát, năm 1913 Pháp dùng xáng múc nạo vét kênh Chợ Gạo sâu 5m và mở rộng thêm hàng chục mét; đồng thời xác định kênh Chợ Gạo là "con đường xuất khẩu gạo" của Nam kỳ. 

105 năm đã qua, kênh Chợ Gạo vẫn gánh vác trách nhiệm quan trọng này, giúp hàng triệu nông dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long có cuộc sống ấm no.

Sơ đồ tuyến kênh Chợ Gạo trên bản đồ miền Tây (đường màu đen) - Đồ họa: T.ĐẠT

Cường quốc xuất khẩu gạo

Ông Nguyễn Ngọc Nam (chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN - VFA) khởi nghiệp kinh doanh lúa gạo từ những năm 1980 ở Công ty Lương thực Tiền Giang, ngay bên cạnh kênh Chợ Gạo. 

Theo ông Nam, trước đây trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu đều được vận chuyển bằng tàu và sà lan về các cảng ở Sài Gòn qua kênh Chợ Gạo. 

Hiện nay ở miền Tây có một số cảng tiếp nhận tàu 3.000-4.000 tấn nên một ít sản lượng gạo được xuất khẩu trực tiếp tại đây. Tuy nhiên, kênh Chợ Gạo vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành xuất khẩu gạo và nông sản của VN.

Theo TS Nguyễn Thị Liên (Trường ĐH Hàng hải VN), thời gian qua có tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy về Sài Gòn do sản lượng vận chuyển lớn và chi phí thấp. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2014 cho biết có tới 88% sản lượng gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Cảng Cần Thơ và Mỹ Thới (An Giang) chỉ chiếm khoảng 2%. Kênh Chợ Gạo từ khi được đào đã trở thành con đường xuất khẩu gạo của VN cho đến nay.

Thực tế cho thấy chi phí vận chuyển gạo đường bộ từ miền Tây về cảng Sài Gòn mất từ 12-20 USD/tấn, các chi phí khác khoảng 2 USD/tấn và thời gian di chuyển mất 5-6 tiếng. 

Trong khi đó, nếu vận chuyển bằng sà lan qua kênh Chợ Gạo thì chi phí chỉ 4-5 USD/tấn, chi phí khác khoảng 2,5 USD/tấn. 

Thời gian di chuyển mất 18-36 tiếng. Nhờ vậy giá thành gạo Việt đủ sức cạnh tranh với gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan...

Ghe chở lúa từ miền Tây về Chợ Lớn xay xát thời Pháp - Ảnh tư liệu

Theo VFA, năm 1989 VN bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại. Năm đó xuất được 1,37 triệu tấn, tương đương sản lượng mà chính quyền thực dân Pháp xuất được vào năm 1939. 

Sản lượng xuất khẩu tăng dần qua từng năm và đến năm 2009 mới vượt lên được con số 6 triệu tấn. Năm 2011 tiếp tục vượt qua con số 7 triệu tấn. 

Qua hơn 140 năm tham gia xuất khẩu gạo, sản lượng kỷ lục mà VN đã từng đạt được là 7,72 triệu tấn. Đó là vào năm 2012. Từ đó đến nay chưa năm nào xuất khẩu gạo vượt qua được con số đó.

Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam nói rằng mặc dù cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng khốc liệt nhưng chất lượng gạo Việt hiện nay được nâng lên rất nhiều. Uy tín gạo Việt được nâng cao và có mặt ở khắp nơi trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính nhất là châu Âu và Úc.

Trong tương lai gạo Việt vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Kênh Chợ Gạo vẫn sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách là con đường xuất gạo quan trọng nhất của VN.

1 sà lan bằng 50 xe container

Ông Trần Đỗ Liêm, chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, cho biết phần lớn hàng hóa luân chuyển giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ bằng đường thủy qua kênh Chợ Gạo.

Hiện nay sà lan loại 500 tấn bị coi là nhỏ. Đa số các doanh nghiệp đã đóng sà lan trên 1.000 tấn, thậm chí là 2.000 hoặc 3.000 tấn để chở được nhiều hơn, cước phí ít hơn.

Trung bình một xe container chở được 40 tấn thì một sà lan tải trọng 2.000 tấn sẽ chở lượng hàng hóa bằng 50 chiếc xe container.

Theo báo Tuổi trẻ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com