Toggle navigation
Chỉ định thầu có giúp rút ngắn tiến độ dự án sân bay Long Thành?
13/11/2019 | 02:36 GMT+7
Chia sẻ :
Chính phủ ngày 12-11 một lần nữa lại giải trình trước Quốc hội về tính khả thi của dự án sân bay Long Thành khi chỉ định thầu cho Công ty cổ phần Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhằm rút ngắn thời gian đầu tư. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định là chưa chắc đã rút ngắn được thời gian như dự tính.
Chọn chủ đầu tư chưa xong, đã giải ngân thừa vốn

Dự án sân bay Long Thành lại tiếp tục được đặt lên bàn Quốc hội sáng ngày 12-11, khi các đại biểu dân cử thảo luận về việc có nên thông qua chủ trương chỉ định thầu, giao dự án cho ACV thực hiện (đảm nhiệm các hạng mục chính) và Tổng công ty Quản lý bay thực hiện các hạng mục có liên quan.

Trong ảnh là phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. Dự án này dự kiến sẽ khánh thành năm 2025 với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn. Ảnh: baodongnai.com.vn

Do còn quá nhiều ý kiến băn khoăn ngay từ đầu kỳ họp liên quan đến tính chính xác của hiệu quả tổng mức đầu tư, của việc giao thầu, việc thu xếp vốn, việc tác động đến nợ công và bảo lãnh Chính phủ nếu vay vốn... nên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình 5 lý do mà cơ quan này và Chính phủ đề xuất chọn ACV làm chủ đầu tư dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc giao các hạng mục chính (đường cất hạ cánh, sân đỗ)... thuộc giai đoạn 1 của dự án là điều kiện hàng đầu để đảm bảo vai trò lợi ích của Nhà nước, việc kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản chiến lược quốc gia như sân bay Long Thành. Dự án không làm tăng nợ công, không dùng vốn ODA và cũng không huy động các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ. Mỗi năm, khi đi vào khai thác, ACV sẽ thu thêm được gần 2.400 tỉ đồng đến 4.780 tỉ đồng để nộp ngân sách hoặc “lan tỏa” đầu tư phát triển các sân bay địa phương khác, phục vụ kinh tế-xã hội.

Nếu được chỉ định thầu, giao dự án, ACV cũng sẽ thực hiện các bước đầu tư theo quy định hiện hành, đấu thầu các hạng mục để các doanh nghiệp khác cùng tham gia.

Bộ GTVT khẳng định lý do ACV được đề nghị để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, đi vào khai thác 2025 như nghị quyết của Quốc hội, vì sẽ triển khai ngay thiết kế kỹ thuật, khởi công 2012 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Và dù chưa thực hiện dự án lớn như sân bay Long Thành nhưng doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư các đường cất hạ cánh mới tại nhiều sân bay như Phú Quốc, Cần Thơ... và các các nhà ga Nội Bài, Tân Sơn Nhất... Bên cạnh đó, ACV cũng đủ kinh nghiệm khai thác, quản lý vì hiện đang quản lý 21/22 cảng hàng không trên cả nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đảm bảo được 30% vốn chủ sở hữu cho dự án và được các ngân hàng cam kết 70% vốn đầu tư còn lại.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4,779 tỉ đô la (chưa bao gồm hạng mục 4b chủ yếu là các công trình của các hãng hàng không, xăng dầu, logistics..). Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã từng cảnh báo là Báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đánh giá tác động cụ thể từng loại vốn vay, chưa có khái toán đầy đủ nên tổng mức đầu tư như trên là chưa chính xác.

Ngay tại phiên thảo luận tại hội trường hôm 12-11, ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, địa phương có dự án, góp ý rằng nhiều vấn đề Chính phủ và các bộ ngành chưa phối hợp tốt với tỉnh để đẩy nhanh tiến độ dự án. Như tháng 7-2018, tỉnh có trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS), trong đó có phân kỳ nhu cầu vốn theo 4 năm.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ cuối năm 2018 (đợt 3) với số vốn đầu tư 6.990 tỉ đồng, nâng tổng số vốn bố trí cho tỉnh để giải phóng mặt bằng (GPMB) lên 11.490 tỉ đồng là cao hơn nhiều so với nhu cầu vốn thực tế của dự án. Cả năm 2019, dự kiến tỉnh chỉ giải ngân đạt khoảng 1.891 tỉ đồng. “Như vậy việc bố trí vốn không hợp lý dẫn đến giải ngân chậm”, ông Thống nói. Đây cũng là nguyên nhân mà việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp thời gian qua.

Ông Thống cũng cho biết dù đã có báo cáo FS cho dự án GPMB được Thủ tướng phê duyệt nhưng hồ sơ, bản vẽ 5 dự án thành phần chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng dấu nên UBND tỉnh Đồng Nai không có cơ sở để phê duyệt và thực hiện. Đến cuối tháng 10-2019, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nên chưa thực hiện, gây chậm tiến độ thực hiện dự án. Trong khi cư dân sống 10 năm qua trong khu vực dự án đang mong chờ quyết định này.

Vẫn còn nhiều e ngại

Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, băn khoăn về việc xem xét toàn bộ hồ sơ dự án theo quy định hiện chưa đầy đủ vì mới có một số phần chính của dự án giai đoạn 1 được trình lên. Tiến độ thực hiện dự án, thu hồi đất mới đạt trên 1% thì việc GPMB toàn bộ dự án vào năm 2020 là khó hoàn thành.

Ông Thành cũng cho rằng, dù doanh nghiệp chủ động vay vốn nhưng các khoản vay này đều tác động đến trần nợ công, nợ quốc gia theo Luật Quản lý nợ công. Hơn nữa, ACV là doanh nghiệp hiện chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa thu đủ bù chi, thì việc đầu tư thêm Long Thành cũng gây ảnh hưởng lớn đến tài chính doanh nghiệp. Nhất là hiện tại, dự án giai đoạn 1 cũng chưa xong khái toán là bao nhiêu. Nhất là các giai đoạn tiếp theo, nguồn vốn sẽ được huy động như thế nào.

Đại biểu Hoàng Văn Cường của Hà Nội không phản đối việc chỉ định thầu cho ACV nhưng e ngại việc rút ngắn thời gian đầu tư giai đoạn 1 là 1,5 năm nếu giao cho ACV là chưa chắc chắn. Vì đây là doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên các hạng mục khi triển khai phải tiến hành đấu thầu, không đi tắt, làm nhanh được.

Hơn nữa, việc giao cho ACV cũng chưa đảm bảo sẽ giúp dự án có phương án hoàn vốn tốt nhất vì 2/3 nguồn vốn là đi vay. Trong trường hợp có rủi ro, Nhà nước vẫn phải gánh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các tập đoàn tư nhân cũng có thể tham gia dự án, như trường hợp Sun Group đã đầu tư sân bay quốc tế Vân Đồn về đích so với kế hoạch trước 18 tháng.

Những con số ấn tượng của dự án sân bay Long Thành:

- Nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

- Cách sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) 43 km

- Hơn 5.500 héc-ta đất phải thu hồi

- Hơn 4.800 hộ với hơn 15.500 nhân khẩu bị xáo trộn cuộc sống

- Hơn 23.000 tỉ đồng là tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng

- Chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác.

Theo Lan Nhi
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com