Toggle navigation
Bộ trưởng Công Thương lý giải 'giá điện chỉ tăng, không giảm'
07/09/2020 | 03:53 GMT+7
Chia sẻ :
Ông Trần Tuấn Anh nói do phải điều tiết giá, trong đó có việc hỗ trợ người nghèo, đối tượng xã hội nên giá điện chưa theo thị trường.
Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, Hoàng Quang Hàm đã nêu lên thực tế 9 lần điều chỉnh giá điện từ năm 2011 đến nay nhưng "giá chỉ tăng, chưa bao giờ giảm". Ông đề nghị Bộ Công Thương giải trình trách nhiệm khi "chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ điện".

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hiện giá điện (đầu vào, giá bán lẻ đầu ra) chưa theo kinh tế thị trường. "Điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng", ông Hiển hỏi.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên giải trình về phát triển điện lực tới năm 2030, ngày 7/9. Ảnh: Hoàng Giang.

Năm 2024 mới có giá điện bán lẻ cạnh tranh

Trước những băn khoăn trên, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh giải thích, thời gian qua rất muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật giá, vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, trong đó có vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo...

"Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hình thành vào năm 2024, giá điện sẽ theo thị trường và việc giá mặt hàng này "chỉ tăng, không giảm" sẽ được khắc phục", ông nói.

Hiện kế hoạch xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã được Thủ tướng phê duyệt theo 3 cấp độ, gồm thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Trong đó, thị trường phân phối và bán buôn cạnh tranh đã cơ bản hoàn thiện. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bắt đầu thí điểm từ năm 2021 và thực hiện từ năm 2024.

"Đến năm 2024, cơ chế này có tăng, giảm theo đúng kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý các phí của hệ thống truyền tải và phân phối, còn hiện nay chưa làm được điều đó", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công Thương cũng giải thích thêm về việc rút phương án điện một giá trong quá trình xây dựng biểu giá bán lẻ điện vì thấy vẫn còn nhiều tồn tại sau khi nghiên cứu, đánh giá và tiếp thu các ý kiến.

"Nếu áp dụng cơ chế điện một giá cũng không bảo đảm được các mục tiêu vừa hỗ trợ người dân, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện", ông giải thích.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình ngày 7/9 về phát triển điện lực đến 2030. Ảnh: Hoàng Giang
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ngày 7/9 về phát triển điện lực đến 2030. Ảnh: Hoàng Giang

Sau những giải thích của Bộ trưởng Công Thương, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhận xét, thị trường bán buôn điện vận hành từ 1/1/2019 đã tạo sự cạnh tranh, giảm phí, hạn chế độc quyền của ngành điện và là cơ sở hình thành thị trường bán lẻ điện vài năm tới.

Nhưng theo ông Hiển, so với yêu cầu một thị trường đầy đủ, giá cả được tính đúng, đủ, có lợi nhuận hợp lý, hạn chế bao cấp... hiện vẫn "chưa phản ánh đúng cung - cầu, tạo nguồn lực tích luỹ đầu tư phát triển thị trường điện".

"Giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút các nhà đầu tư. Nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và bán sẽ là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh năng lượng", ông Hiển nhận xét.

Ngoài ra, ông cho rằng cơ chế giá điện hiện thiếu tính đột phá, chậm thay đổi, chưa đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư. Điều này dẫn tới việc một số lĩnh vực sản xuất được nước ngoài rót vốn vào Việt Nam đã lợi dụng giá điện thấp, nhân công rẻ... đưa nhiều loại thiết bị, công nghệ lạc hậu tốn năng lượng vào...

Để khắc phục cách tính chưa hợp lý, Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện giá bán buôn, bán lẻ điện với nguyên tắc theo cơ chế thị trường, tính đúng, đủ và tạo nguồn lực tài chính tái đầu tư vào ngành năng lượng.

Nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án chậm tiến độ

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, giai đoạn 2011 - 2019, tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5% một năm. Đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010.

Nhu cầu điện tăng cao nhưng tăng trưởng nguồn điện 5 năm gần đây giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8% một năm. Hai nguồn điện đóng góp lớn trong tỷ trọng cơ cấu nguồn là thuỷ điện và nhiệt điện than bình quân đạt lần lượt 5% và 10%. Nguyên nhân là thủy điện đã khai thác gần hết, nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng và phần lớn địa phương không ủng hộ loại năng lượng này.

Năng lượng tái tạo có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.

Tổng công suất nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2030 có 116 dự án nguồn điện cần đầu tư và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, thực tế hàng loạt dự án điện lớn không được thực hiện, chậm tiến độ khiến hệ thống thiếu nguồn điện dự phòng.

Chưa kể, chính sách với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm đổi mới, nguồn lực đầu tư hạn chế, dàn trải. Các địa phương không có sự phối hợp trong triển khai dự án điện, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện quy hoạch được duyệt.... "Đây là nguy cơ thiếu điện trong 5 năm tới", ông Tuấn Anh nói.

Về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Công Thương nhận định, do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu phụ tải giai đoạn tới về cơ bản thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí khoảng 19%, thủy điện 18%, điện gió và mặt trời tầm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là nguồn khác.

Để đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết mới, cho phép thí điểm các chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.

Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc

Theo tính toán của Bộ Công Thương, điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 337,5 tỷ kWh và đạt hơn 478 tỷ kWh vào 2030. Do nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ nên để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ 2021, ngoài tăng huy động nguồn điện từ năng lượng tái tạo bù lại phần điện năng do các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ, thì sẽ phải tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc. Dự kiến tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

Theo Anh Minh
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com