Ngày 29.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã lên tiếng về động thái của Bộ Tài chính Mỹ.
Ảnh: laodong.vn
Theo NHNN, tại các kỳ Báo cáo trước đây, Bộ Tài chính Mỹ (USDT) xem xét 12 đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên kỳ Báo cáo tháng 5/2019 đã tăng số lượng đối tác thương mại được xem xét lên 21 quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt trên 40 tỷ USD, trong đó bao gồm Việt Nam.
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, USDT cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ. Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 5/2019 như sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Báo cáo tháng 5/2019 kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ. Tại Báo cáo này, USDT lập Danh sách giám sát gồm Trung Quốc (chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng có thặng dư thương mại hàng hóa song phương rất lớn với Mỹ) và 08 đối tác thương mại lớn khác thỏa mãn hai trên ba tiêu chí. Việt Nam vào Danh sách giám sát trong Báo cáo tháng 5/2019 do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Báo cáo cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo.
Với việc Việt Nam vào Danh sách giám sát, trong thời gian tới, USDT sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà USDT quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
Theo Như Mai
Nhịp cầu đầu tư