Toggle navigation
Bị kiện đòi bồi thường 1.700 tỷ đồng: Lo ngại King's Coffee 'đánh' bật cà phê hòa tan G7
28/05/2018 | 10:48 GMT+7
Chia sẻ :
Bỏ qua câu chuyện làm xùm giữa vợ chồng vua cà phê ở khía cạnh thị trường rõ ràng việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang thành công với King's Coffee ông Vũ có lý do để lo lắng.

Vụ kiện đòi bồi thường 1.700 tỷ đồng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo ‘phản pháo’. 

Như tin đã đưa, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang ra thông báo thụ lý vụ án Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) khởi kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên quan đến quyền sở hữu nhà máy cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang.

Theo đơn khởi kiện, Trung Nguyên IC yêu cầu bà Thảo trả lại các tài sản gồm Chi nhánh CTCP cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang; các thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, hàng hóa... tại Lô B (B2), Khu công nghiệp Quang Châu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Trung Nguyên IC buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo chấm dứt hành vi sử dụng trái phép chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang để sản xuất sản phẩm King's Coffee.

Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải giao trả Trung Nguyên IC con dấu, các hồ sơ, giấy tờ pháp lý của chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang. Bên cạnh đó, công ty này yêu cầu bà Thảo bồi thường 1.700 tỷ đồng số tiền thiệt hại ước tính đến tháng 4/2017.

Ai là người đại diện hợp pháp tại Trung Nguyên IC?

Trước việc Trung Nguyên IC đệ đơn khởi kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, có bốn cơ sở pháp lý cho thấy nội dung đơn khởi kiện của Trung Nguyên IC không có cơ sở pháp lý, chứng cứ và vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Thứ nhất, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không phải người đại diện hợp pháp cho Trung Nguyên IC tại thời điểm ký đơn khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại này.

Theo bà Thảo, trong đơn khởi kiện, ông Vũ đã căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 8 cấp ngày 21/4/2016 của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.

Trung Nguyên IC đang sản xuất cà phê hòa tan G7

Tuy nhiên, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 8 này đã trái với Điều lệ của Trung Nguyên IC (Điều lệ công ty không cho phép Tổng Giám đốc được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp khác). Sự việc tranh chấp này đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết và hiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Vì vậy, bà Thảo cho rằng, việc ông Vũ nhân danh người đại diện theo pháp luật của Trung Nguyên IC để khởi kiện vụ án này là không có cơ sở pháp lý.

Thứ hai, khối tài sản của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ đã được Tòa án nhân dân TP.HCM ban hành Quyết định trưng cầu kiểm toán số 2836/2017/QĐ-TCKT (ngày 08/8/2017) và Quyết định trưng cầu thẩm định giá tài sản số 5148/QĐ-TCGĐ (ngày 27/12/2017). Theo đó Tòa án nhân dân TP.HCM đã ủy thác cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ, định giá tài sản tranh chấp là nhà máy Bắc Giang.

Thứ ba, hồi tháng 8/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ khối tài sản chung của vợ chồng là đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên.

Thứ tư, nhằm bảo vệ khối tài sản chung của vợ chồng vua cafe Đặng Lê Nguyên Vũ và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, Tòa án nhân dân TP HCM đã ban hành công văn số 4451/TATP-TLĐ ngày 22/11/2017 với những thông tin quan trọng như ông Vũ và bà Thảo đang sở hữu đến hơn 93% tài sản hữu hình và vô hình tại Trung Nguyên, việc tranh chấp và phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân đang chờ Tòa án giải quyết.

2 lần ông Đặng Lê Nguyên Vũ kiện vợ

Đến vụ khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã là 3 lần hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đệ đơn kiện lẫn nhau.

Trước đó vào tháng 10/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Cuộc họp không có mặt bà Thảo.

Tháng 11/2015, bà Thảo cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm của ông Vũ không đúng quy định pháp luật nên khởi kiện lên TAND Bình Dương. Đến tháng 8/2016, TAND Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ kiện, tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo, vì cho rằng các văn bản mà bà Thảo yêu cầu tòa hủy đã được phía ông Vũ thu hồi trước khi tòa sơ thẩm xét xử vụ án.

Sau đó bà Thảo đệ đơn lên TAND TP HCM, đến tháng 9/2017, TAND TP.HCM thụ lý và xét xử sơ thẩm vụ kiện với phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm bà Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015. Tòa đồng thời khôi phục chức danh Phó tổng Giám đốc của bà Thảo.

Đến ngày 21/3, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng đơn khởi kiện lên Tòa Kinh tế TP HCM yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Tòa tuyên ông Vũ thắng kiện và buộc bà Thảo phải trả lại con dấu đã chiếm giữ trái phép cũng như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH.

Ngay sau đó vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên tiếp tục theo đuổi vụ kiện liên quan đến nhà máy sản xuất cà phê Bắc Giang.

Lo ngại King's Coffee "đánh" bật cà phê hòa tan G7

Bỏ qua câu chuyện làm xùm giữa vợ chồng vua cà phê ở khía cạnh thị trường rõ ràng việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang thành công với King's Coffee ông Vũ có lý do để lo lắng.

Việc bà Thảo sản xuất King's Coffee bằng dây truyền công nghệ sản xuất G7 tại Bắc Giang cho thấy chất lượng King's Coffee không thua kém.

Song song với những ồn ào trong tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên, Lê Hoàng Diệp Thảo trở lại thương trường với thương hiệu TNI King Coffee.

Không đi theo cách truyền thống, Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chọn thị trường Mỹ để giới thiệu “vị vua” mới của mình.

Gần một năm sau khi ra mắt, đến nay, King's Coffee đã có mặt trên hệ thống phân phối của 88 quốc gia trên thế giới.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang rất thành công với King's Coffee.

Mặc dù mới ra mắt được hơn 1 năm nhưng King's Coffee của bà Thảo đã đạt được những kết quả bước đầu đáng để nhiều “ông lớn” trong ngành cà phê dè chừng.

Ngay trong năm đầu tiên ra mắt, King's Coffee đã mang về doanh thu 60 triệu USD cho TNI. Tại Hàn Quốc, King's Coffee đã được bán trên 300 website thương mại điện tử.

King's Coffee đang tìm cách chinh phục thị trường Trung Quốc. Tham vọng của bà Thảo là mang về doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường tỷ dân này.

Trong vòng hơn 1 năm kể từ khi quay lại thương trường, bà Thảo đã kịp bắt tay xây dựng một nhà máy sản xuất cà phê tại Tân Uyên, Bình Dương. Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 51.300m2, chia làm 2 giai đoạn. Khi đi vào hoạt động, nhà máy TNI King's Coffee sẽ cung cấp 9.000 tấn cà phê rang xay và 19.800 tấn cà phê hòa tan mỗi năm.

Hiện tại, Lê Hoàng Diệp Thảo là Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam. Trong năm 2017, bà đã có nhiều chuyến đi cùng các phái đoàn thương mại với Thủ tướng và Chủ tịch nước đến Nhật Bản, Nga và Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.

Bà Thảo cho biết, bà đã làm việc với Chính phủ để thúc đẩy trồng rừng thông qua đầu tư trực tiếp. Mục tiêu của bà là đạt đến 30% tổng diện tích canh tác cà phê tại Việt Nam, ước tính 660.000 ha.

Sau khi thâm nhập gần 100 thị trường nước ngoài, bà Diệp Thảo quay về phát triển thị trường trong nước. Bà Thảo đặt mục tiêu Việt Nam sẽ là thị trường quan trọng để King's Coffee hiện thực hóa huyền thoại cà phê Việt.

Năm 2017, King Coffee đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống nhà phân phối khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
 
Theo Hoàng Lâm
Báo GĐXH
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com