Nông dân ĐBSCL lên liếp trồng mít từ đất lúa. Ảnh: Trung Chánh
Chuyển sang trồng mít
Lúa là loại cây trồng chủ lực của đại đa số nông dân vùng ĐBSCL. Hoạt động sản xuất này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn mang về hàng tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm cho đất nước. Việc đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi thời gian qua cũng theo hướng phục vụ cho định hướng phát triển cây lúa.
Thế nhưng, gần đây đã xuất hiện một cuộc “tháo chạy” khỏi cây lúa của người nông dân vùng ĐBSCL, để tìm đến các loại cây trồng khác, nhất là nhóm cây ăn trái. Theo ghi nhận của TBKTSG, những vùng độc canh cây lúa ngày nào của tỉnh Tiền Giang như huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước, hay huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp giờ đã xen lẫn những vườn cây ăn trái.
“Thấy những người trồng trước lãi hàng trăm triệu đồng/héc ta, cao gấp hàng chục lần sản xuất lúa nên tôi cũng chuyển sang trồng mít”, ông Trần Văn Thanh, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - người vừa quyết định chuyển đổi 1 héc ta đất lúa sang trồng mít Thái - cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết kết thúc vụ lúa sắp thu hoạch, ông cũng chuyển 0,5 héc ta đất lúa sang trồng mít. “Không riêng gì tôi, thời gian qua, vùng này nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng mít nhiều lắm”, ông nói.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 40.000 héc ta đất lúa được chuyển sang sản xuất cây ăn trái. “Nông dân trồng nhiều loại cây như mít, cam, xoài, sầu riêng… nhưng phần lớn là mít”, ông cho biết và nói rằng ngoài đất lúa chuyển sang đất trồng cây ăn trái thì cũng có vườn cây ăn trái này chuyển sang cây ăn trái khác theo hướng tăng thêm thu nhập.
Giải thích xu hướng nông dân “tháo chạy” khỏi loại cây trồng đã gắn bó với họ từ nhiều năm qua, TS. Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia nghiên cứu độc lập về thị trường nông sản, cho biết đó là do lợi nhuận người nông dân thu được từ hoạt động sản xuất lúa không như mong đợi, trong khi lợi nhuận của các loại cây trồng khác đang quá hấp dẫn.
Vì giá lúa gạo rẻ mạt
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2019 ước đạt trên 2,6 triệu tấn với trị giá xuất khẩu đạt trên 1,1 tỉ đô la Mỹ, về khối lượng giảm 8% nhưng về giá trị giảm đến 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Đây cũng được xác định là lý do khiến giá lúa, gạo ở thị trường nội địa bị “kéo” giảm rất mạnh trong thời gian gần đây, bất chấp những nỗ lực mua dự trữ như những tuyên bố trước đó.
Trao đổi với TBKTSG, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc, cho biết lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL hiện được mua tại ruộng với giá 3.800-3.900 đồng/ký, giảm 1.300-1.400 đồng/ký so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng “mất” hơn 1.400-1.600 đồng/ký so với cùng kỳ năm ngoái để về mức 5.800-6.000 đồng/ký như hiện nay.
Trong lúc lúa được bán với giá “rẻ mạt” thì năng suất vụ hè thu 2019 ở ĐBSCL cũng đang rất thấp. Ông Trần Văn Chuyện, nông dân sản xuất lúa ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết năng suất lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ đạt khoảng 5,5-6 tấn/héc ta. “Với giá bán 3.900 đồng/ký, mỗi héc ta đem về cho nông dân khoảng 22-23 triệu đồng”, ông nói và cho rằng nếu trừ đi chi phí đầu vào, nông dân chỉ còn lãi chưa đến 10 triệu đồng/héc ta.
Để cuộc chuyển đổi thành công
TS. Lương Ngọc Trung Lập cho biết ở mỗi địa phương đều đã có quy hoạch vùng trồng nhưng lại chưa có chế tài xử lý khi người nông dân chuyển đổi tự phát ngoài quy hoạch.
Đáng chú ý, việc sản xuất là tự phát nên sản phẩm được làm ra không tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nào hết. “Khi nông dân chuyển đổi qua một loại cây trồng khác, thì quy trình canh tác, kinh nghiệm về loại cây trồng mới là không có hoặc có rất ít. Làm sao có thể tạo được sản phẩm có chất lượng so với vùng đã trồng lâu năm, vùng sản xuất tập trung?”, ông nêu vấn đề và giải thích rằng tiêu chuẩn, chất lượng không đạt nên giá bán thường thấp hơn.
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng mít và sầu riêng là hai loại cây trồng có tốc độ gia tăng diện tích nhanh do chịu áp lực giá cả và lợi nhuận rất cao. “Mình luôn khuyến cáo người dân là phải trồng theo tín hiệu của thị trường. Và đây là tín hiệu thị trường nên người dân làm theo”, ông nói, “nhưng rất khó để dự báo trong ba năm nữa người dân có đốn cây hay không vì không dự báo được thị trường, nhất là với cây mít, khi dữ liệu trên thế giới rất ít”.
Để hóa giải những băn khoăn nêu trên, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, cho rằng nông dân sản xuất sản phẩm gì đều phải chắc chắn có đầu ra. “Bây giờ mình không ủng hộ nông dân làm ào ạt hoặc mạnh ai nấy làm nữa, mà làm phải có tổ chức”, ông nêu quan điểm.
Theo đó, ông Xuân gợi ý khi có một doanh nghiệp A tìm đất trồng mít thì bắt buộc đơn vị này phải nộp dự án cho địa phương xem xét. “Nếu địa phương xét thấy đề án tốt, có đầu ra chắc chắn, thì mới giao đất thông qua thỏa thuận giữa nông dân và doanh nghiệp”, ông nói.
Nếu doanh nghiệp cần khoảng 400 héc ta đất trồng mít thì hợp tác với nông dân để sản xuất thông qua việc thành lập hợp tác xã. Doanh nghiệp nêu trên sẽ có nhà khoa học, đội ngũ kỹ thuật để giúp nông dân trong hợp tác xã thiết kế lại đất, quy cách lên liếp, đường dẫn nước, cách bón phân, phòng trừ dịch hại...
“Khi tất cả nông dân làm theo công ty thì sản phẩm được sản xuất ra theo đúng quy trình của doanh nghiệp mong muốn, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ, không còn bấp bênh nữa. Đây là còn đường tốt nhất để cuộc chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn trái thành công, chứ làm tự phát như thời gian qua chắc chắn sẽ gặp thất bại”, ông nhấn mạnh.
Theo Trung Chánh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn