Chuyện một số người tiêu dùng đặt hàng trực tuyến sau đó từ chối không nhận điện thoại từ nhân viên giao hàng (ngôn ngữ mạng gọi là “bùng đơn hàng”) đang gây xôn xao nhiều trên các diễn đàn và mạng xã hội những ngày qua có thể xem như một ví dụ về mặt trái của sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam của những ứng dụng về dịch vụ gọi xe, vận chuyển, đặt thức ăn.
Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc hội thảo phân tích về những ưu điểm cũng như mặt hạn chế của nền tảng chia sẻ đã được tổ chức bởi các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, với những cái tên quen thuộc ở thị trường Việt Nam như Grab, Airbnb, Go-Viet, Bee, Now, Foody, Baemin… đang phá vỡ các gói công việc truyền thống vốn đã hiện hữu lâu đời nơi các công ty, tạo điều kiện cho người lao động và khách hàng – có thể là cá thể, tổ chức hay doanh nghiệp – gặp nhau, chọn nhau, tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho mỗi bên.
Dịch vụ trên nền tảng chia sẻ đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách ở Việt Nam như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Ảnh minh họa: Go-Viet
Tuy nhiên, khi hình thức kinh doanh mới phá vỡ các gói công việc thì cũng đồng thời phá vỡ các quyền lợi liên kết, từ việc chăm sóc sức khỏe đến bảo hiểm, từ khâu đào tạo đến nâng cao tay nghề và cả những động cơ thăng tiến. Và đây chính là thất bại xã hội lớn nhất của mô hình kinh tế này khi chính nó không định hình nên được một lực lượng lao động cho chính mình.
Trên thực tế, hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ đã tận dụng các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả ở Việt Nam, góp phần tăng tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ (vận tải, phòng trọ, giúp việc nhà, đặt thức ăn…) hiện nay, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng những sự lựa chọn đa dạng hơn.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng được đánh giá là mới lạ và đặt ra những yêu cầu mới trong chính sách quản lý ngay cả ở các quốc gia phát triển. Chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với các thách thức, không chỉ là việc đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, giải quyết những xung đột giữa công ty cung cấp dịch vụ truyền thống và công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ, mà còn phải điều chỉnh về quy định và chính sách, để công tác quản lý được hiệu quả và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Dịch vụ trên nền tảng chia sẻ đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách ở Việt Nam như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Người lao động trong các công ty theo mô hình nền kinh tế chia sẻ bị thiệt thòi về lâu dài. Họ không có bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình hưu trí và khóa đào tạo nâng cao kỹ năng như các công ty kinh doanh truyền thống.
Quay trở lại câu chuyện ở Việt Nam, cũng theo các cơ quan quản lý, hiện nay Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy chứ không chỉ đơn thuần là tìm cách quản lý mô hình kinh tế chia sẻ. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án về kinh tế chia sẻ để trình Chính phủ trong thời gian sắp tới, đã xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất là về hình thức pháp lý, liên quan đến một loại hình kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh mới, phi truyền thống chưa có trong các quy định pháp lý, chưa có các nội hàm ý nghĩa một cách chính xác để đảm bảo các hoạt động đăng ký hay quản lý cấp phép. Ngay cả trong phân ngành kinh tế hiện nay cũng phải sắp xếp lại.
Thứ hai là tuy hệ thống pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam đã được xây dựng rất sớm, nhưng đối với hình thức này còn chưa thật đồng bộ và cũng còn những điểm chưa thống nhất, do đó cần những điều chỉnh về mặt pháp lý liên quan đến thương mại điện tử.
Thứ ba là những cái vướng mắc trong các hành lang pháp lý về quản lý kê khai thuế và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh kinh tế chia sẻ. Bên cạnh các biện pháp chung của Chính phủ để đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính phủ điện tử hay tạo ra các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, các thanh toán điện tử thì quan trọng nhất, vai trò của Chính phủ ở đây là phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với bối cảnh thay đổi này, với loại hình này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh trong cuộc họp báo về đề án này gần đây cũng cho hay, cơ quan xây dựng đề án có đưa ra dự kiến một số khuyến nghị đối với người dân, nhà cung cấp, người tiêu dùng, doanh nghiệp… như đề cao trách nhiệm cũng như kiến thức của người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ mình khi sử dụng những dịch vụ này. Các nhà cung cấp cũng phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Đối với dịch vụ thanh toán thì khuyến nghị liên quan đến hệ thống thanh toán hiện đại, đảm bảo an toàn trong thanh toán của kinh tế chia sẻ.
Về phía quy định pháp luật, bộ có đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến giải pháp. Thứ nhất là giảm thiểu hoặc bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ kinh tế chia sẻ. Thứ hai, tạo ra các cơ chế chính sách cũng như các quy định của pháp lý mới có tính chất khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các hoạt động của kinh tế chia sẻ có dư địa, có điều kiện phát triển. Thứ ba, đối với việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến thu, quản lý thuế cũng như các quy định của nhà nước, cơ quan xây dựng đề án cố gắng đưa ra một số khuyến nghị chính sách đảm bảo sự công bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ này, tránh sự xung đột cũng như không đảm bảo được sự công bằng giữa các hoạt động kinh doanh.
Theo Minh Anh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn