Toggle navigation
Năng suất lao động Việt Nam trong ASEAN chỉ còn hơn duy nhất Campuchia và những câu hỏi phía sau
11/08/2019 | 02:16 GMT+7
Chia sẻ :
Thông tin mới nhất về năng suất lao động của Myanmar vượt Việt Nam dường như không khiến nhiều người bất ngờ. Như vậy, tới thời điểm này, trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia về năng suất lao động.
.
Năng suất lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng cao gấp hàng chục lần năng suất chung..

Còn nhớ, cách đây 2 năm, Tổng cục Thống kê cũng từng thông tin, trong các nước ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Lào, đồng thời dự báo trong tương lai gần, Myanmar vượt Việt Nam về năng suất lao động. Đến nay, điều đó đã thành sự thực.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt trên phạm vi toàn cầu, năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia và của từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia, vì nó đồng nghĩa với nền kinh tế tăng trưởng nhanh có cơ hội thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” hay không.

Cũng bởi vậy, trước thực tế năng suất lao động của Việt Nam dù đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực trong hơn thập kỷ qua, song lại có xu hướng chìm dần xuống đáy bảng xếp hạng trong ASEAN đang khiến không ít người lo ngại.

Có quá nhiều lý do lý giải vì sao năng suất lao động của Việt Nam quá thấp. Đó là quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm của nền kinh tế cũng như năng suất lao động thấp; lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao; quy mô doanh nghiệp quá nhỏ; thiết bị, dây chuyền, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh lạc hậu; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp… Thậm chí, những nguyên nhân “phi sản xuất” cũng được nhắc đến khi lý giải hiệu quả làm việc của người Việt thấp, như ý thức lao động kém, kỷ luật lao động thấp; sự phối hợp, hợp tác, làm việc theo nhóm lỏng lẻo, thái độ, ý thức đối với công việc, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao chưa thay đổi nhiều so với khi vẫn còn là “anh hai lúa”…

Song một câu hỏi khác cần đặt ra là vì sao, Myanmar, Lào cũng có những “đặc thù” như Việt Nam, nhưng năng suất lao động ở những nước này lại cao hơn? Năng suất làm việc của người Việt có thực sự thấp?

Câu trả lời có thể là “không” bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, năng suất lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng cao gấp hàng chục lần năng suất chung. Đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm tạo ra bao gồm cả giá trị tài nguyên khoáng sản, nhưng Việt Nam không khuyến khích, thậm chí hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản không tái tạo, đặc biệt là khai thác chỉ để xuất khẩu thô.

Thứ hai, sản xuất, phân phối điện, ga, khí đốt là những ngành có năng suất lao động rất cao, nhưng cũng như ngành công nghiệp khai khoáng, năng suất của những ngành này chủ yếu nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sau quá trình tập trung khai thác, nguồn lực “trời cho” này đã dần cạn kiệt.

Thứ ba, dù hiệu quả đầu tư mang lại chưa được như mong đợi, nhưng năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước gấp 7,3 lần mức năng suất chung, chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, khoáng sản và cả nguồn vốn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là cổ phần hoá, thoái vốn, nên số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh.

Thứ tư, lao động phi chính thức của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số lao động toàn nền kinh tế. Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), người lao động dù chỉ làm việc 1-2 giờ/tuần vẫn được tính là có việc làm, vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất thấp (chưa đến 2% trong 6 tháng đầu năm 2019).

Năng suất lao động được đo bằng GDP chia cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Khi một bộ phận người lao động chỉ làm 1-2 giờ/tuần mà vẫn được tính là có việc làm, thì năng suất lao động thực tế của Việt Nam giảm xuống là điều đương nhiên.

Thứ năm, quy mô nền kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam hiện ước khoảng 25% GDP (tức còn khoảng 65 tỷ USD chưa được tính vào GDP để chia cho tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế), nên năng suất lao động thấp là điều khó giải thích.

Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam có mức độ cạnh tranh rất cao trên thị trường quốc tế do năng suất lao động cao, nhưng một số nước nhập khẩu lại nghi ngờ Việt Nam trợ cấp hoạt động sản xuất trong nước. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, trong một dây chuyền sản xuất, một công đoạn sản xuất hay để sản xuất ra một sản phẩm, người lao động Việt Nam chắc chắn có năng suất không kém người lao động của bất cứ nước nào trên thế giới.

Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế. Vì vậy, một mặt không thể phủ nhận năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp, cần phải thực hiện nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp để cải thiện tình hình, mặt khác phải đánh giá khách quan, đúng bản chất sự việc, từ đó định hướng cơ cấu tiếp lực lượng lao động, phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo, tính cần cù của người Việt Nam, từng bước nâng cao năng suất lao động tại những khu vực còn yếu kém, đóng góp chưa nhiều cho nền kinh tế.

Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com