Toggle navigation
Giải Cánh diều vàng mảng điện ảnh: Ảm đạm và gây nhiều tranh cãi
18/04/2018 | 06:00 GMT+7
Chia sẻ :
Vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có 13 tác phẩm dự tranh các hạng mục điện ảnh của giải Cánh diều năm nay. Kết quả cuối cùng không thực sự thuyết phục đối với số đông khán giả.
Cuối tuần qua, Hội Điện ảnh mới tổ chức đêm trao giải thường niên Cánh diều cho các tác phẩm, cá nhân xuất sắc của lĩnh vực phim ảnh trong một năm qua.

Với mảng điện ảnh, năm nay chỉ có 13 bộ phim tranh tài, bao gồm Bạn gái tôi là sếp, Giấc mơ Mỹ, Em chưa 18, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Dạ cổ hoài lang và Yêu đi, đừng sợ.

Vì một số lý do, sự kiện thiếu vắng một số bộ phim từng gây nhiều sự chú ý với công chúng như Lôi Báo của Victor Vũ, Lô Tô của Huỳnh Tuấn Anh, hay Khi con là nhà của Vũ Ngọc Đãng. Ban tổ chức rơi vào thế “so bó đũa, chọn cột cờ” ngay từ phút đầu, và kết quả mà họ đưa ra gây ra không ít sự khó hiểu cho số đông.

Cô Ba Sài Gòn có xứng đáng?
Cô Ba Sài Gòn là tác phẩm mà Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất, và đồng thời sắm một vai trong phim. Tác phẩm thuộc dòng tâm lý - giả tưởng với chủ đề về tà áo dài thắng giải quan trọng nhất là Cánh diều vàng cho phim truyện điện ảnh, cùng giải Biên kịch xuất sắc.

Cô Ba Sài Gòn thắng giải Cánh diều vàng trong bối cảnh giải thưởng năm nay chỉ có 13 tác phẩm tranh tài. Ảnh: BHD.

Nếu nhìn vào nhóm 13 phim tranh tài, khán giả có thể dễ dàng nhận ra một số thuộc dòng nghệ thuật như Đảo của dân ngụ cư hay Có căn nhà nằm nghe nắng mưa; một số thuần túy giải trí như Em chưa 18 hay Mẹ chồng; một số thuộc hàng… thảm họa và tham dự dạng “cho vui” như Ngày mai Mai cưới hay Giấc mơ Mỹ.

Cô Ba Sài Gòn hay Cô gái đến từ hôm qua có lẽ thuộc "vùng xám", tức cố gắng cân bằng cả hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Đây là điều không hề dễ dàng và cả hai để lộ ra không ít nhược điểm khi nỗ lực theo đuổi điều đó.

Có thể nói Cô Ba Sài Gòn cho thấy sự khôn khéo của Ngô Thanh Vân trong việc làm phim và quảng bá khi tuyến truyện hiện tại hoàn toàn được giữ kín đến phút chót.

Nhưng ngay sau khi ra mắt, không ít người đã chỉ ra rằng mạch truyện đó “nhang nhác” câu chuyện trong The Devil Wears Prada - Yêu nữ thích đồ hiệu (2006) của người Mỹ.

Ban tổ chức Cánh diều vốn rất “kỵ” các phim remake khi không cho các tác phẩm thuộc nhóm này cạnh tranh giải Phim truyện xuất sắc. Trước luồng ý kiến trái chiều trước đêm trao giải, họ từng cho biết sẽ xem xét trường hợp của Cô Ba Sài Gòn. Nhưng phim cuối cùng thậm chí còn thắng cả hạng mục Biên kịch xuất sắc.

Tuyến truyện thời hiện đại trongCô Ba Sài Gòn với nhân vật của Diễm My 9X có nhiều nét tương đồng với bộ phim The Devil Wears Prada. Ảnh: BHD.

Cuối năm 2017, ban tổ chức Bông sen vàng mạnh dạn trao giải cho Em chưa 18. Đó là bộ phim thuần túy giải trí, nhưng đã lập nên cột mốc doanh thu lịch sử là 171 tỷ đồng, qua đó tạo ra cú hích lớn cho nền điện ảnh nước nhà. Nhưng tới Cánh diều, phim chỉ có hai giải là Đạo diễn (Lê Thanh Sơn) và Nam diễn viên chính xuất sắc (Kiều Minh Tuấn).

Có thể thấy, cả về nghệ thuật hay thương mại, Cô Ba Sài Gòn đều thua kém đối thủ trong mùa Cánh diều năm nay. Do đó, chiến thắng của bộ phim là điều khó lòng có thể thuyết phục số đông, và thậm chí còn vô tình khiến bức tranh ảm đạm của nền điện ảnh nước nhà trở nên rõ ràng hơn.


Những kết quả gây hoài nghi khác
Tại hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nhã Phương lên ngôi với Yêu đi, đừng sợ. Trên sân khấu, cô cho biết chiến thắng giống như chiếc “phao cứu sinh”, giúp bản thân tiếp tục vững bước trên con đường làm nghệ thuật.

Đây có thể coi là chiến thắng gây nhiều bất ngờ khi phái đẹp của điện ảnh Việt trong năm qua có nhiều vai diễn hay, như Thanh Hằng giúp Mẹ chồng che lấp nhiều khuyết điểm, hay vai bà mẹ đau đáu chờ con của NSƯT Kim Xuân trong Có căn nhà nằm nghe nắng mưa.

Giải Nam chính dành cho Kiều Minh Tuấn của Em chưa 18 có vẻ thuyết phục hơn trong bối cảnh phái mạnh không có nhiều vai diễn ấn tượng suốt năm qua. Nếu như Khi con là nhà của Vũ Ngọc Đãng tham gia dự thi, có lẽ Lương Mạnh Hải sẽ là đối trọng xứng đáng dành cho ông xã của Cát Phượng.

Nhắc tới Mẹ chồng, Midu giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Tuy nhiên, trong dàn diễn viên của bộ phim tâm lý - chính kịch, cô có lẽ chỉ khá hơn “tay ngang” Lan Khuê. Midu mang vẻ ngoài quá hiện đại đối với một bộ phim lấy bối cảnh đầu thế kỷ XX, với lối diễn xuất hoàn toàn “trật” khỏi bầu không khí chung.

Giải cho Midu trong Mẹ chồng cũng là điều không thuyết phục của Cánh diều năm nay. Ảnh: CGV.

Đại diện dòng nghệ thuật, Đảo của dân ngụ cư, có thể hài lòng với Bằng khen hạng mục Phim truyện, Nam diễn viên phụ (Nhan Phúc Vinh) và Quay phim xuất sắc. Tuy nhiên, thất bại của dự án do Hồng Ánh làm đạo diễn tiếp tục nối dài xu hướng thắng tại nước ngoài, nhưng chưa chắc đã có giải trên sân nhà, như trường hợp của Cha cõng con cách đây đúng một năm.

Hồi tháng 5/2017, Đảo của dân ngụ cư từng ẵm giải Phim truyện xuất sắc tại  Liên hoan phim Quốc tế ASEAN. Dù vậy, đây thực tế là sự kiện quốc tế còn khá non trẻ khi mới bắt đầu năm 2013, và phải hai năm mới diễn ra một lần.

Nhìn chung, kết quả giải Cánh diều năm nay vô tình khiến bức tranh ảm đạm của nền điện ảnh nước nhà thêm rõ nét. Có phim phá kỷ lục phòng vé, nhưng số đông tác phẩm nội trong năm qua để lại nhiều tiếc nuối sau khi nhận không ít kỳ vọng từ khán giả.

Cánh diều chỉ có thể “bay” cao khi các tác phẩm tham gia tranh giải (và chiến thắng) có đủ thực lực. Bằng không, sự thờ ơ từ cả giới làm phim lẫn khán giả đại chúng dành cho sự kiện sẽ chỉ ngày một lớn hơn. Và giờ nếu Việt Nam có tổ chức một giải thưởng dạng Mâm xôi vàng, cuộc cạnh tranh có lẽ sẽ là vô cùng "khốc liệt".

Kết quả giải thưởng Cánh diều 2018 - mảng điện ảnh

- Phim truyện xuất sắc:
Cánh diều vàng: Cô Ba Sài Gòn
Cánh diều bạc: Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua
Bằng khen: Dạ cổ hoài lang, Mẹ chồng, Đảo của dân ngụ cư
- Đạo diễn xuất sắc: Lê Thanh Sơn với Em chưa 18
- Nam diễn viên chính xuất sắc: Kiều Minh Tuấn trong Em chưa 18
- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Nhã Phương trong Yêu đi, đừng sợ
- Nam diễn viên phụ xuất sắc: Nhan Phúc Vinh trong Đảo của dân ngụ cư
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Midu trong Mẹ chồng
- Quay phim xuất sắc: Lý Thái Dũng với Đảo của dân ngụ cư
- Biên kịch xuất sắc: Kay Nguyễn với Cô Ba Sài Gòn
- Họa sĩ thiết kế xuất sắc: Trịnh Thiên Thanh với Yêu đi, đừng sợ
- Âm thanh xuất sắc: Đỗ Trung Nhân, Nguyễn Trọng Thanh với Ngày mai Mai cưới
- Âm nhạc trong phim xuất sắc: Đức Trí với Dạ cổ hoài lang
- Diễn viên triển vọng: Hà Mi trong Cô gái đến từ hôm qua

Theo Hạ Tuyết
Zing.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com