Toggle navigation
Tiêm vaccine Covid ở VN: vì sao quân đội và công an được ưu tiên?
01/03/2021 | 01:45 GMT+7
Chia sẻ :
Sau khi lô vaccine Covid-19 đầu tiên về tới Việt Nam hôm 24/2, nhiều câu hỏi được đặt ra về các nhóm ưu tiên, nguồn cung ứng và lộ trình tiêm vaccine này ở Việt Nam.
Vaccines arriving in VN on 24 Feb
Lô vaccine đầu tiên về tới TP HCM hôm 24/2. Đây là vaccine của Oxford/AstraZeneca

Cựu nhà báo BBC Hà Mi và BS Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, Hà Nội, so sánh các nhóm ưu tiên của Việt Nam với Anh Quốc và các nước.

Hai vị khách trong chương trình hội luận trực tuyến của BBC trên YouTube hôm 25/2 cũng bình luận về việc làm sao để vaccine được phân phối minh bạch và công bằng ở Việt Nam.

Vì sao các nhóm ưu tiên ở Việt Nam khác với Anh Quốc ?

Ở Anh, các nhóm ưu tiên được xác định dựa trên nguy cơ tử vong và mắc bệnh nặng phải vào viện.

"Nguy cơ tử vong cao chủ yếu tập trung ở người cao tuổi và có bệnh nền," bà Hà Mi, cựu nhà báo BBC, đang sống ở London, bình luận.

"Vì thế họ ưu tiên những người sống trong nhà dưỡng lão và những ai chăm sóc người già, rồi mới đến nhân viên y tế, xã hội và những người trên 80 tuổi."

Vaccination centre, Thornton
Anh Quốc hiện đang triển khai tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi

Các nhóm ưu tiên tiếp theo được xếp theo độ tuổi: trên 75; trên 70 và những người có bệnh nền với nguy cơ lâm sàng cao; trên 65; trên 60; trên 55 và trên 50.

Trong khi ở Việt Nam một số ngành nghề như quân đội, công an, giáo viên, nhân viên ngoại giao, hải quan... nằm trong danh sách các nhóm ưu tiên, thì ở Anh, chỉ duy nhất có nhân viên y tế, xã hội và chăm sóc người già được ưu tiên.

Giáo viên ở Anh cũng không được ưu tiên tiêm ngay cả sau nhóm những người trên 50 tuổi.

Theo nhà báo Hà Mi, sở dĩ các nhóm ưu tiên ở Anh và Việt Nam khác nhau là vì tình trạng dịch bệnh ở hai nơi khác nhau.

"Ở bên Anh, dịch đã lan tràn trong cả nước, và không thể khoanh vùng ở một số khu vực hẹp. Anh Quốc có tỷ lệ tử vong cao nhất tính trên đầu người ở châu Âu, và vì thế mục tiêu cấp bách cho Anh là cần giảm số ca tử vong và nhập viện.

"Trong khi đó, ở Việt Nam, dịch Covid mới chỉ xuất hiện rải rác ở một số địa phương, ở một số điểm nóng nên cần tập trung vào các điểm nóng đó."

Ở Việt Nam, lực lượng quân đội tham gia nhiều vào công tác phòng chống dịch Covid
Ở Việt Nam, lực lượng quân đội tham gia nhiều vào công tác phòng chống dịch Covid

Vì sao lực lượng quân đội và công an được ưu tiên?

Ở Việt Nam, khác ở nhiều nước khác, lực lượng quân đội và công an tham gia rất nhiều vào công tác phòng chống dịch, cụ thể là ở các điểm cách ly tập trung, điều không có ở các nước châu Âu, BS Hoàng Tú Anh nhận xét.

"Ngoài một số điểm cách ly dân sự, các điểm của quân đội được huy động rất nhiều. Chằng hạn, khi các điểm cách ly dân sự ở Hải Dương vừa rồi có gặp vấn đề, thì lực lượng quân đội lại được huy động tiếp. Tính kỷ luật cũng như công tác quản lý của quân đội rất tốt và chặt chẽ, vì vậy họ giúp được rất tốt cho các điểm cách ly."

Thêm vào đó, các lực lượng này còn được huy động ở các chốt phòng dịch và dọc đường biên, và Việt Nam có đường biên mở rất dài với các nước láng giềng.

"Bài học từ các lần bùng dịch trước cho thấy nếu không kiểm soát tốt các vùng đường biên đó thì việc ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng là rất khó", BS Hoàng Tú Anh nhận định.

Bà cho rằng các lực lượng quân đội và cảnh sát ở Việt Nam được ưu tiên vì những lý do trên.

Các lực lượng này có quân số lên tới hàng triệu người, nhưng những người trực tiếp tham gia chống dịch và ở những địa phương có dịch sẽ được ưu tiên trước, theo Quyết định 1210 của Bộ Y tế Việt Nam.

Lộ trình tiêm cụ thể cho từng nhóm ưu tiên được nói rõ, chẳng hạn trong Quý 1 dự kiến sẽ có trên 600.000 nhân viên y tế và nhân viên tham gia phòng chống dịch được tiêm.

Minh bạch thông tin quyết định thành công của chương trình tiêm chủng

Một câu hỏi được đặt ra là làm sao để các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật… được tiếp cận vaccine ở Việt Nam,

"Hiện các nhóm này gần như chưa được nói gì đến trong kế hoạch tiêm phòng của Việt Nam," BS Hoàng Tú Anh nói.

Bà cho biết ở một số quốc gia như Hà Lan, các nhóm chẳng hạn như người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hay những người không có khả năng đi lại, được nhắc một cách rất cụ thể trong chương trình tiêm chủng.

Theo bà, để đảm bảo phân phối vaccine một cách bình đẳng và công bằng, tính minh bạch là điều tối quan trọng.

"Việt Nam cho đến giờ được coi là có mô hình chống dịch Covid khá thành công, và mấu chốt của thành công này theo tôi nghĩ chính là sự minh bạch.

"Nhà nước làm tốt vấn đề về minh bạch thông tin và cho người dân tin, và vì thế tuân thủ các quy định nhà nước đề ra.

"Đây là một bài học và minh bạch thông tìn là điều mà nhà nước cần áp dụng trong kế hoạch tiêm phòng. Nếu duy trì được tính minh bạch thì sẽ duy trì được lòng tin của người dân và đảm bảo một chương trình tiêm chủng thành công," BS Hoàng Tú Anh bình luận với BBC.

Các nhóm đối tượng được ưu tiên ở VN

11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam. Các nhóm này gồm:
  • nhân viên y tế
  • người tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)
  • nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
  • lực lượng công an
  • lực lượng quân đội
  • người trên 65 tuổi
  • nhóm cung cấp các dịch vụ thiết yếu
  • người có nhu cầu lao động, học tập ở nước ngoài
  • người mắc các bệnh mãn tính
  • người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
  • giáo viên
Theo BBC Tiếng Việt
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com