Toggle navigation
Ngày 8-3 bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 tại các cơ sở điều trị, vùng có dịch ở Việt Nam
05/03/2021 | 04:11 GMT+7
Chia sẻ :
Dự kiến ngày mai 6-3, Bộ Y tế sẽ tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm… Sau đó đến ngày 8-3 những liều vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm.
Ngày 8-3 bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 tại các cơ sở điều trị, vùng có dịch ở Việt Nam - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đầu tuần tới sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: VGP

Sáng 5-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã họp nghe báo cáo về dịch bệnh trong nước, dự báo tình hình thế giới, triển khai rà soát năng lực xét nghiệm, các loại sinh phẩm xét nghiệm đang sử dụng. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng dành thời gian thảo luận những vấn đề liên quan đến triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo về những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận các nguồn vắc xin từ nước ngoài, hiện nay khi nhu cầu vắc xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.

Dự kiến ngày mai 6-3, Bộ Y tế sẽ tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm… Sau đó đến ngày 8-3, những liều vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19, các vùng có dịch, các nhóm theo nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19… 

Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin…

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vắc xin không bảo đảm phòng bệnh 100%, ví dụ theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc xin  Astrazeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vắc xin nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; đồng thời đề nghị, khi có vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. 

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Đến nay Việt Nam có ba ứng viên vắc xin, một loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn 1 cho kết quả tốt và đã tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai. 

Hai vắc xin còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc xin trong nước phải "tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể".

Ngày 8-3 bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 tại các cơ sở điều trị, vùng có dịch ở Việt Nam - Ảnh 2.
Tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 Nanocovax giai đoạn 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Phó thủ tướng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vắc xin sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vắc xin cho 100 triệu dân, vì những thông tin ban đầu cho thấy các vắc xin ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Đối với những nước đối tác có tiềm lực sản xuất vắc xin và đã triển khai tiêm cho người dân, Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vắc xin ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép.

Ban Chỉ đạo lưu ý trong thời gian tới, với việc triển khai tiêm vắc xin rộng rãi ở các nước cũng như tại Việt Nam thì cần chuẩn bị sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).

Tuổi trẻ
Theo BAOCHINHPHU.VN
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com