Toggle navigation
Vai trò của công ty gia đình ông Nguyễn Đức Chung trong mua chế phẩm Redoxy-3C
26/09/2021 | 11:57 GMT+7
Chia sẻ :
Chế phẩm Redoxy-3C là sản phẩm đặt hàng của Hà Nội nhưng ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc tạo điều kiện cho công ty gia đình độc quyền phân phối, gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.
Ông Chung (cựu Chủ tịch UBND Hà Nội) cùng Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (cựu giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Arktic) vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 10-15 năm tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2009, Hà Nội bắt đầu thí điểm các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước tại một số sông, hồ và đạt được những kết quả nhất định. Đầu năm 2016, Hà Nội chủ trương thay đổi công nghệ xử lý nước cũ bằng việc dùng chế phẩm mới để xử lý ô nhiễm môi trường nước. Thành phố giao Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND thành phố - thực hiện .

Sau khi liên hệ và tổ chức đoàn tham quan, ông Chung đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước ao hồ tại Hà Nội. Ông Chung mong muốn chất này là sản phẩm độc quyền của thành phố Hà Nội. Watch Water sau đó đồng ý và bán cho thành phố với giá "ưu đãi" 8,5 Euro một kg.

Tháng 8/2016, chủ trì cuộc họp về xử lý ô nhiễm nước hồ, ông Chung giao Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Thế Hùng chỉ đạo các quận, huyện dừng xử lý nước ô nhiễm để quy vào một mối. Trong khi đó chế phẩm Redoxy-3C lúc này chưa thử nghiệm và được cơ quan có thẩm quyền đánh giá về tính hiệu quả.

Sau khi thử nghiệm 100 kg chế phẩm đầu tiên, ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng bằng miệng "giao công ty mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic".

Theo cáo buộc, ông Chung ban hành thông báo đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ Đức nhưng lại chỉ đạo ông Hùng không mua trực tiếp để hưởng giá ưu đãi mà mua thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic.

Trên giấy tờ, Công ty Arktic có cổ đông góp 60% vốn là con trai ông Chung, đăng ký lần đầu năm 2015 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Sau ba lần thay đổi đăng ký, bị can Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) là người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.

"Toàn bộ hồ sơ đăng ký do bà Hoa thực hiện và tự giả chữ ký của con trai. Giữa năm 2016, bà Hoa còn hai lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng góp vốn để chuyển Giang đứng tên làm giám đốc, điều hành công ty", cáo trạng nêu và xác định gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ Arktic.

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hoàng Phong.
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hoàng Phong

Trong quá trình xử lý ô nhiễm nước tại các sông, ông Chung bị xác định đã lợi dụng quyền hạn của Chủ tịch thành phố tạo điều kiện cho Công ty Arktic của gia đình mua bán chế phẩm. Ông cho bị can Giang tham gia xuyên suốt quá trình thử nghiệm, mua bán chế phẩm như là một cán bộ của thành phố.

VKS xác định, mặc dù chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của Hà Nội nhưng sau đó Công ty Watch Water lại ký văn bản thoả thuận để Công ty Arktic phân phối độc quyền. Arktic chưa bổ sung ngành nghề kinh doanh hoá chất nhưng lại nhập khẩu chế phẩm và bán cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là trái quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan.

Từ năm 2016-2019, theo chỉ đạo và được ông Chung tạo điều kiện, Arktic đã nhập khẩu hơn 489.000 kg chế phẩm Redoxy-3C với chi phí hơn 115 tỷ đồng. Arktic bán lại cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội với giá hơn 151 tỷ đồng. "Hành vi mua bán lòng vòng của hai công ty khiến Hà Nội bị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng", cáo trạng nêu.

Ông Chung còn bị cáo buộc chỉ đạo vào quá trình tạm ứng tiền mua, bán chế phẩm, vi phạm quy định về Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Với việc tạo lợi nhuận cho công ty gia đình, ông Chung đã vi phạm điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng.

Theo VKS, quá trình điều tra ông Chung không thừa nhận hành vi phạm tội.

Nhà chức trách đã ra lệnh kê biên căn nhà trên thừa đất hơn 100 m2 của ông Chung ở phố Trung Liệt, quận Đống Đa và hai căn hộ chung cư cao cấp tại quận Thanh Xuân.

Chế phẩm Redoxy-3C dạng bột, dễ hoà tan trong nước. Ảnh: Bá Đô.
Chế phẩm Redoxy-3C dạng bột, dễ hoà tan trong nước. Ảnh: Bá Đô

Theo cáo trạng, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng phải thực hiện mua chế phẩm theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên theo chỉ đạo của ông Chung, ông Hùng trực tiếp và chỉ đạo nhân viên dưới quyền ký 15 hợp đồng mua chế phẩm với Công ty Arktic nên để xảy ra các sai phạm. Trong khi đó, thành phố chưa phê duyệt đơn giá và phương án đặt hàng chế phẩm.

Bị can Giang là đồng phạm với ông Chung, có mối quan hệ thân thiết với gia đình. Giang tham gia mua bán lòng vòng phần vốn góp của Arktic để che giấu hành vi phạm tội của bản thân và ông Chung. Giang còn sử dụng tiền của Arktic để tặng quà và tài trợ cho một số cơ quan theo yêu cầu của ông Chung.

Quá trình điều tra, Hùng và Giang được VKS ghi nhận thành khẩn khai nhận.

Với một số lãnh đạo, cán bộ của UBND Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước, VKS cho rằng quá trình thực hiện đã tin tưởng và thừa hành theo chỉ đạo của cấp trên nên nể nang bỏ qua các công đoạn kiểm tra. Tuy có dấu hiệu thiếu trách nhiệm nhưng không có tư lợi. Sự việc cũng đã được Uỷ ban Kiểm tra trung ương kết luận nên VKS xét thấy không cần thiết xử lý hình sự.

Đây là vụ án thứ ba liên quan ông Chung. Bốn ngày trước, ông bị truy tố trong vụ án can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.

Tháng 12/2020, trong vụ án đầu tiên, ông bị phạt 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan đến Công ty Nhật Cường.

Theo Phạm Dự 
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com