Toggle navigation
Ai phải chịu trách nhiệm vụ lật tàu ở Thanh Hóa?
27/05/2018 | 10:07 GMT+7
Chia sẻ :
Theo luật sư, để tìm căn cứ xử lý trách nhiệm của nhân viên gác barie ở Thanh Hóa, cần phải xác định lỗi vi phạm và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả hay không?
Ngày 25/5, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi) và Phạm Văn Vui (40 tuổi, cùng ở huyện Tĩnh Gia, 2 nhân viên gác barie vụ lật tàu hỏa) để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khởi tố tội danh với 2 nhân viên gác barie có đúng?

Theo quan điểm của tôi, đây là vụ tai nạn giao thông đường sắt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Cơ quan điều tra nhận định nguyên nhân sự cố do lỗi của 2 nhân viên gác barie 2 bên khổ đường ray tàu trong ca trực đã lơ là, không đóng chắn trước khi tàu qua đường ngang.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Nguyễn Dương.

Tuy nhiên, để tìm căn cứ xử lý trách nhiệm nhân viên gác barie, cần phải xác định lỗi vi phạm và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả hay không?

Hành vi của các nhân viên gác barie đã không điều hành giao thông đường ngang khi tàu hỏa đi qua, không thực hiện đóng chắn barie, vi phạm Khoản 4 Điều 39, Luật đường sắt 2017. Cụ thể, khoản này quy định: "Tại đường ngang, cầu chung có người gác, khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định, chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông”.

Hậu quả vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, do đó nhân viên gác barie phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự 2015.

Thông thường, để vận hành phương tiện tàu hỏa, ngoài việc người lái tàu điều khiển đi trên đường sắt thì những người chỉ huy là một phần rất quan trọng quyết định điều hành con tàu đi một cách an toàn.

Căn cứ Thông tư số 09/2013 của TAND Tối cao hướng dẫn về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, có thể xác định nhân viên gác đường ngang, cầu chung là chủ thể của tội này.

Vụ tai nạn tàu hỏa gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Đức Tiến.

Ai phải bồi thường sau tai nạn?

Về nguyên tắc, người nào có lỗi gây ra thiệt hại ngoài trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định tại Điều 584, 589, 590, 591 Bộ luật dân sự 2015.

Trong vụ việc này, nhân viên gác barie là người của pháp nhân (người sử dụng lao động). Do đó, để xảy ra vụ việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra theo Điều 597 Bộ luật dân sự 2015.

Theo Điều 597, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Trước đó, rạng sáng ngày 24/5, tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm (Tĩnh Gia), tàu SE19 chở hơn 400 hành khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi qua đường ngang có gác chắn đã đâm thẳng xe tải chở đá.

Tai nạn khiến đầu máy bị đổ và 6 toa xe trật bánh khỏi đường sắt. Lái tàu và phụ lái tàu tử vong do mắc kẹt, 13 hành khách bị thương, hơn 100 m đường ray và nhiều toa tàu cùng chiếc xe tải bị hư hỏng nặng.

Điều 267 quy định về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt: Người nào chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết từ 2 người trở lên, có thể bị phạt tù tối đa 15 năm hoặc phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 5 năm.

Theo Zing.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com