Toggle navigation
Việt Nam phản đối Trung Quốc diễn tập gần Hoàng Sa
22/07/2022 | 07:44 GMT+7
Chia sẻ :
Hoạt động diễn tập của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, theo Bộ Ngoại giao.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong họp báo hôm nay, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc thông báo diễn tập quân sự gần quần đảo Hoàng Sa.

Bà Hằng cũng nhắc lại tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong cuộc họp báo ngày 23/6 rằng "Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực".

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte.

Bình luận được Bộ Ngoại giao đưa ra sau khi Cục Hải sự tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hôm 15/7 thông báo cấm tàu thuyền đi vào vùng biển phía đông nam hòn đảo và phía bắc quần đảo Hoàng Sa trong thời gian từ ngày 16 đến 20/7 để phục vụ diễn tập quân sự.

Quân đội Trung Quốc chưa cung cấp thông tin chi tiết về nội dung và lực lượng tham gia diễn tập. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng. Đợt diễn tập lần này được tổ chức sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông ngày 13/7, dự kiến triển khai các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm huấn luyện bay với tiêm kích và trực thăng, diễn tập tiến công trên biển.

Vị trí quân đội Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông (màu vàng). Đồ họa: CSIS.
Vị trí quân đội Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông (màu vàng). Đồ họa: CSIS.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn", nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách này, nhưng Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố không thi hành phán quyết.

Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Theo Tiến Anh
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com