Toggle navigation
Tuyên bố Việt Nam sắp bước vào khủng hoảng tài chính kiểu Thái Lan là không có cơ sở
02/11/2022 | 01:00 GMT+7
Chia sẻ :
Trong vài ngày qua, có nhiều thông tin lan truyền về việc 'Quốc gia N', với nhiều chi tiết ám chỉ đến Việt Nam, đang trên đà tiến vào một thảm họa tài chính tương tự như Thái Lan vào năm 1997. Nhưng nhiều lý do cho thấy điều này rõ ràng là không có khả năng xảy ra.

Chartchai Parasuk, một nhà kinh tế độc lập, đã đưa ra những tuyên bố táo bạo trong một bài báo trên Bangkok Post. “Tôi đang nói về một quốc gia giả định, là thành viên của ASEAN. Quốc gia này có thể tồn tại hoặc không. Để tránh những hậu quả tiêu cực không cần thiết, tôi sẽ gọi là 'Quốc gia N' với đơn vị tiền tệ là D”.

"Đây là ngôi sao của ASEAN với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5 năm là 7% trước khi đại dịch bùng phát. Ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh, quốc gia này vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 3%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ là 7,2%, cao nhất ASEAN. Đáng kinh ngạc là ngôi sao này lại đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng giống như ở Thái Lan vậy”.

Nhà kinh tế này đưa ra ba luận điểm: thị trường chứng khoán lao dốc kể từ tháng 4; suy giảm thanh khoản trong quý III; và thâm hụt cán cân thanh toán khiến dự trữ ngoại hối dần cạn kiệt.

Tất cả các chi tiết đưa ra đều ám chỉ rõ ràng “Quốc gia N” chính là Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình của Việt Nam ở thời điểm hiện tại hoàn toàn khác biệt so với Thái Lan trong đợt khủng hoảng tài chính năm 1997, giống như so sánh món tom yum của Thái với phở của Việt Nam vậy.

Thảm họa Tom yum kung

Cuộc khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997 được coi là một thảm họa vì nó không chỉ gây ra biến động kinh tế và tài chính mà còn có mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

Picture

Trước khi khủng hoảng bùng phát, Thái Lan đã kiên trì áp dụng chính sách cố định tỷ giá hối đoán. Đây là một trong những nguyên nhân quyết định dẫn đến khủng hoảng. Hơn nữa, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn cũng gây áp lực giảm giá lên đồng nội tệ; từ đó kéo theo các cuộc tấn công đầu cơ. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại vướng vào quá nhiều các khoản nợ bằng USD.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là việc thiếu cơ chế giám sát đối với lĩnh vực tài chính. Các khoản nợ xấu tại các ngân hàng Thái Lan lên tới 50%; thâm hụt ngân sách lớn, cộng với nợ công chồng chất, tất cả đã cùng nhau tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết với hậu quả khủng khiếp.

Ít nhất 10.400 người đã tự tử khi cuộc khủng hoảng tràn qua châu Á.

Một phần tư thế kỷ sau, cuộc khủng hoảng tài chính Thái Lan 1997 vẫn là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong chuỗi các cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài liên tiếp từng ảnh hưởng đến các quốc gia mới nổi trong những năm 1980 và 1990.

Việt Nam không có các yếu tố tương tự khủng hoảng kinh tế 1997

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát ngày càng gia tăng. Giá trị đồng USD đã tăng đáng kể, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng thắt chặt chính sách tiền tệ. Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Hầu hết mọi người đều cho rằng các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu hoặc tổ chức quốc tế đáng tin cậy nào chỉ ra rằng các quốc gia mới nổi sẽ trải qua một thảm họa tài chính ngang bằng với năm 1997, bất chấp ý kiến của ông Parasuk .

Ngược lại, các nền kinh tế giàu có và phát triển đang gặp bất ổn về tài chính khi đồng nội tệ của họ tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Gần như không có dòng vốn nào chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi kể từ khi Fed tăng lãi suất vào đầu năm, dù một số cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra do một số ít quốc gia vay quá nhiều ngoại tệ. Trong tất cả các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước có dòng vốn quốc tế chảy vào lớn nhất.

Hiện tại, các số liệu và thống kê chính thức đều cho thấy rằng Việt Nam không có hoàn cảnh và yếu tố nào tương tự như khủng hoảng kinh tế năm 1997.

Sự linh hoạt của Việt Nam và các nền kinh tế đang phát triển là hệ quả hợp lý của bài học kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ.

Khả năng chống chọi lại với những cú sốc nghiêm trọng của một quốc gia được đánh giá dựa trên năm đặc điểm: thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ; các định chế tài chính được điều hành khôn ngoan và tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu; một chiến lược tài khóa thận trọng với nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài, thấp và được quản lý chặt chẽ; không có thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể; Ngân hàng trung ương có quyền tự chủ lớn hơn, áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế đang lên hàng đầu thế giới nếu xét các tiêu chí nói trên.

Thật sai lầm khi dự đoán tình trạng tiêu cực sắp xảy ra chỉ dựa trên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm dự trữ ngoại tệ. Năm 1982, các nước phát triển G7 kết luận rằng can thiệp tiền tệ ít có tác dụng lâu dài. Bằng chứng từ quá khứ chỉ ra rằng sự can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị trường ngoại tệ là vô ích nếu như không có nhu cầu sử dụng USD trên diện rộng và kéo dài.

Một nghiên cứu vào tháng 6 năm 2022 của Viện Hoover và Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra rằng nếu một đồng tiền mất giá hơn 10%, việc bán dự trữ ngoại hối tương đương khoảng 0,1% GDP có thể giúp can thiệp vào thị trường và củng cố đồng tiền lên 4%. Liên tục can thiệp một cách có phương pháp trong nhiều quý có thể đem lại kết quả tốt hơn nữa.

Gần đây, NHNN Việt Nam đã bỏ ra khoảng 20 tỷ USD, tương đương 5% GDP, và đem lại hỗ trợ tích cực không thể phủ nhận cho giá trị của đồng Việt Nam.

Mục đích của các biện pháp can thiệp bằng ngoại tệ không chỉ là làm tăng hoặc giảm giá trị của đồng nội tệ mà còn để điều chỉnh sai lệch và khôi phục tỷ giá hối đoái về trạng thái cân bằng mới trong thời điểm thị trường hỗn loạn.

Nói cách khác, nhìn vào kho dự trữ ngoại tệ của một quốc gia để nhận định tình hình giống như nhìn thấy một người lính cứu hỏa và đinh ninh đang có đám cháy ở gần đó. Các tin đồn đang được lan truyền về chỉ số khủng hoảng ở Việt Nam chỉ là một góc nhìn ngây thơ, không dựa trên thực tế hay phân tích khoa học.

Theo Vietstock
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com