Toggle navigation
Tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần Trường Sa
30/11/2022 | 09:07 GMT+7
Chia sẻ :
Mỹ điều tuần dương hạm USS Chancellorsville hoạt động gần quần đảo Trường Sa để "thực thi quyền tự do hàng hải" trên Biển Đông.
"Ngày 29/11, tàu USS Chancellorsville thực thi quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế" tại khu vực gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo hôm nay.

Hạm đội 7 cho biết tuần dương hạm USS Chancellorsville đã tiến vào khu vực các bên "đưa ra yêu sách chủ quyền quá mức" trong chiến dịch tuần tra tự do hàng hải. Đây là thuật ngữ hải quân Mỹ thường sử dụng để chỉ khu vực 12 hải lý quanh các thực thể trên Biển Đông.

Tian Junli, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc, trước đó tuyên bố lực lượng nước này đã "xua đuổi" tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Mỹ "xâm phạm" cái gọi là "an ninh và chủ quyền của Trung Quốc" gần quần đảo Trường Sa.

Hải quân Mỹ bác bỏ tuyên bố này của phía Trung Quốc là "không đúng sự thật", khẳng định Mỹ đang bảo vệ quyền tự do hoạt động của máy bay, tàu thuyền ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép.

Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 7 thực thể tại quần đảo này và tiến hành hoạt động bồi đắp, quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phản ứng của thế giới.

Tuần dương hạm USS Chancellorsville di chuyển trên Biển Đông ngày 29/11. Ảnh: US Navy.
Tuần dương hạm USS Chancellorsville di chuyển trên Biển Đông ngày 29/11. Ảnh: US Navy.

Hải quân Mỹ tổ chức nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, trong đó có điều chiến hạm áp sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Lần gần nhất Mỹ điều chiến hạm áp sát Trường Sa là ngày 16/7 với khu trục hạm USS Benfold.

Hồi tháng 7/2020, tàu Ralph Johnson của Mỹ xuất hiện trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Châu Viên và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng các tiền đồn phi pháp.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn", nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách này, nhưng Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố không thi hành phán quyết.

Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Nguyễn Tiến - Vnexpress
Theo US Navy
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com