Toggle navigation
'Khoản đầu tư' lớn của Mỹ ở Biển Đông
17/08/2022 | 07:20 GMT+7
Chia sẻ :
Học giả Greg Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) ngày 14/8 nhận định nghiên cứu lịch sử cho thấy Mỹ có lợi ích và đang tiếp tục cam kết tại Biển Đông.
(08.16) Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Đông ngày 12/7/2022. (Nguồn: USNI)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Đông ngày 12/7/2022. (Nguồn: USNI)

Mối quan tâm lâu đời nhất của Mỹ đối với Biển Đông đến từ quyền tự do biển cả. Trong hơn hai thế kỷ qua, Washington luôn coi tự do ở các vùng biển như là nhân tố quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia. Nhìn lại lịch sử, nước Mỹ không có nhiều lợi ích xuyên suốt và nhất quán như vậy.

Chính cam kết này đã đẩy một nước Mỹ, khi ấy còn non trẻ, khởi động các cuộc tấn công ở nước ngoài với Barbary, dẫn tới Chiến tranh năm 1812 trước Anh. Không lâu sau đó, Hải quân Mỹ tham gia Hải đội Đông Ấn năm 1835. Từ đó, các tàu thuộc hải quân Mỹ đều duy trì hoạt động ở châu Á, chỉ trừ thời kỳ nội chiến.

Vì thế, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là các “quyền lịch sử” trong cái gọi là “đường chín đoạn”, đe doạ cam kết của Mỹ với tự do biển cả, cũng như nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế là quyền bình đẳng của các quốc gia.

Mối quan tâm thứ hai của Mỹ ở Biển Đông, ít nhất là kể từ sau Thế chiến II, là duy trì các cam kết quốc phòng ở khu vực mà không bị lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền giữa các đồng minh.

Sự can dự sớm nhất của Mỹ vào Biển Đông trong những thập kỷ trước chiến tranh đến từ Philippines. Khi Philippines giành độc lập vào năm 1946, không bên nào muốn các lực lượng Mỹ rời đi vì lo ngại về ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Á. Họ đã ký Hiệp định Căn cứ quân sự vào năm 1947 và Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau vào năm 1951, tạo ra liên minh an ninh sớm nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Đây là bước đầu tiên trong việc hình thành hệ thống liên minh lâu đời của Mỹ ở châu Á cho đến ngày nay. Sau đó, Mỹ đã sớm ký các hiệp ước quốc phòng tương tự với Australia, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giai đoạn 1970, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và Mỹ bãi bỏ hiệp ước với Đài Loan (Trung Quốc). Trong bối cảnh đó, Philippines trở thành đồng minh duy nhất của Mỹ tại Biển Đông. Trong bốn thập kỷ qua, Washington khẳng định Hiệp ước Phòng thủ tương trợ Mỹ - Philippines áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng của Manila ở Biển Đông, song mặt khác luôn cố gắng cân bằng cam kết này với quan điểm trung lập lãnh thổ.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy và ý định xét lại của Trung Quốc khiến ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á giảm sút nhanh chóng, đồng thời khiến tình hình tại khu vực bất ổn hơn nhiều so với năm 1970. Nếu Mỹ muốn đảm bảo lợi ích quốc gia của mình ở Biển Đông, Mỹ cần phải cân nhắc nhiều hơn trong việc xác định và theo đuổi chúng.

Từ lâu, Mỹ đã bảo vệ quyền tự do ở các vùng biển và xây dựng một mạng lưới liên minh đáng tin cậy ở châu Á, giúp bảo đảm an ninh quốc gia, thịnh vượng của các bên. Tuy nhiên, giờ đây những lợi ích quan trọng này đang đứng trước thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, thể hiện rõ nét ở Biển Đông. Lần đầu tiên gặp “đối thủ” sau hàng thập kỷ, Mỹ cần đánh giá thực tế về lợi ích của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nói: “Ngày nay, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược lớn của Mỹ”. Song chiến lược đó sẽ khó thành công nếu Washington không thể bảo vệ các quy tắc và liên minh của mình ở Biển Đông.

Theo LƯU HUỲNH
Thế giới và Việt Nam
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com