Toggle navigation
ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA: Nền quốc phòng Việt Nam: Hòa bình và tự vệ
12/06/2022 | 06:38 GMT+7
Chia sẻ :
Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 với chủ đề "Hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới" hôm 11-6 trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng thế giới đang chứng kiến nhiều biến động khó lường, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần chung tay ứng phó.

Đòi hỏi tất yếu khách quan

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Theo quan điểm của Việt Nam, tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị, nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.

ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA: Nền quốc phòng Việt Nam: Hòa bình và tự vệ - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 11-6. Ảnh: TTXVN

Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang.

Đối với tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông, theo Đại tướng Phan Văn Giang, Việt Nam kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Hợp tác và phát triển bình đẳng

Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của thế giới, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Theo TTXVN, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bình đẳng, cùng có lợi, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang. Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia mà lẽ ra có thể sẽ tốt hơn nếu những nguồn lực đó được dành cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Bộ trưởng cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là lợi ích, là nguyện vọng chính đáng, là mong ước tương lai chung của các quốc gia, dân tộc. Các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La là cơ hội gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ, hiểu nhau và tin tưởng nhau hơn, để mở ra các cơ hội thiết lập quan hệ, hợp tác cùng phát triển, vì một thế giới hòa bình, vì thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. 

16-mỹ 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) tại Đối thoại Shangri-La hôm 11-6Ảnh: Reuters

Mỹ chỉ trích, Trung Quốc bác bỏ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11-6 có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tập trung vào nhiều vấn đề nóng như chiến lược của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, an ninh hàng hải, xung đột Nga - Ukraine, Đài Loan (Trung Quốc)...

Trong bài phát biểu dài gần 1 giờ, ông Austin đánh giá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược lớn của Mỹ. Khu vực này hiện đối diện với nhiều thách thức, từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến các mối đe dọa trên không gian mạng, phổ biến vũ khí hạt nhân, hành động cưỡng ép của nước lớn với nước nhỏ… Vì thế, ông Austin nhấn mạnh Mỹ cam kết củng cố "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", đồng thời đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này.

Không dừng lại ở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ đầu tư mạnh mẽ cho việc duy trì sự hiện diện khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chẳng hạn như đề xuất ngân sách tài khóa 2023 của Tổng thống Mỹ có khoản tiền 6,1 tỉ USD dành cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương nhằm tăng cường chia sẻ thông tin đa phương, hỗ trợ đào tạo và thử nghiệm với các đối tác. Ông Austin cho biết thêm Mỹ sẽ triển khai một tàu tuần duyên đến Đông Nam Á trong năm tới. Đây sẽ là tàu tuần duyên đầu tiên đóng tại đây, mở ra cơ hội mới trong việc hợp tác huấn luyện tại khu vực.

Đáng chú ý, theo tờ The Straits Times, bài phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc vài lần công kích Bắc Kinh, như chỉ trích mạnh mẽ hướng tiếp cận mang tính "cưỡng ép và gây hấn nhiều hơn" của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cũng nêu bật các hành động bị xem là khiêu khích và gây căng thẳng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Bộ trưởng Austin có bài phát biểu trên một ngày sau khi ông và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa gặp mặt lần đầu tiên bên lề Đối thoại Shangri-La. Trong bối cảnh hai nước còn bất đồng về nhiều vấn đề, không gì lạ khi đại diện phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La chỉ trích bài phát biểu của ông Austin chứa đựng nhiều "cáo buộc vô căn cứ". Tranh cãi giữa hai bên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn khi ông Ngụy dự kiến có bài phát biểu về tầm nhìn của Bắc Kinh đối với hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương trong ngày 12-6.

Một trong những vấn đề gây chia rẽ đến từ nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc). Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang thành lập một NATO châu Á thông qua nhóm này. Dù vậy, phát biểu tại hội nghị, ông Austin nhấn mạnh Washington "không tìm kiếm" sự đối đầu hoặc xung đột, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một NATO châu Á hoặc một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch. Ngoài ra, quan chức Mỹ nói thêm nước này làm việc chặt chẽ với cả đối thủ và bạn bè để thiết lập "rào chắn an toàn" nhằm ngăn chặn xung đột. Điều này bao gồm liên lạc đầy đủ và cởi mở với giới lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc để bảo đảm tránh mọi tính toán sai lầm.

Hoàng Phương

Xuân Mai
Người lao động
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com