Toggle navigation
Con đường tiền tệ và tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam
30/04/2021 | 02:11 GMT+7
Chia sẻ :
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc, quân và dân ta đã tạo nên những tuyến đường huyền thoại đi vào lịch sử. Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh; đường Hồ Chí Minh trên biển; đường ống xăng, dầu dài hàng nghìn km... Nhưng có một con đường mà ít người biết tới, đó là "con đường tiền tệ" trong kháng chiến chống Mỹ với phương thức hoạt động đặc biệt. 
ngân hàng,chuyển tiền,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
ngân hàng,chuyển tiền,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Lịch sử kinh tài cách mạng mãi mãi ghi danh 3 tổ chức  Qũy Ngoại tệ đặc biệt (B29) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Tài chính đặc biệt (N2683) và Ban Ngân tín R (C32) thuộc Trung ương Cục miền Nam.

Những ngày tháng 4 lịch sử, phóng viên tìm gặp TSKH Lê Văn Châu (85 tuổi), nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên của B29, một nhân chứng hiếm hoi am hiểu về hoạt động của tổ chức này.

Chi viện cho chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hậu phương miền Bắc. Do vậy, vào đầu những năm 1960, “Hội đồng chi viện tiền phương” được Bộ Chính trị thành lập.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng chi viện tiền phương), sau đó là Phó Thủ tướng Phạm Hùng trong 2 năm (từ giữa năm 1965 cho đến giữa năm 1967, khi ông được cử vào miền Nam đảm nhiệm chức Bí thư TƯ Cục) và tiếp theo là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị trong 8 năm từ 1967-1975.

Để chuyên trách việc chi viện tài chính cho các chiến trường, tháng 4/1965, từ đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ Chính trị đã cho thành lập “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt”. Quỹ này tiếp nhận, tập trung các nguồn ngoại tệ viện trợ, ủng hộ cho miền Nam của nước ngoài, dự trữ, bảo quản, “chế biến” ngoại tệ thành tiền ngụy Sài Gòn, một số loại ngoại tệ phù hợp; phối hợp với các đơn vị của Tổng cục hậu cần để vận chuyển, chi viện cho miền Nam.

ngân hàng,chuyển tiền,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Quỹ mang mật danh B29, trong đó B là ký hiệu của phòng công tác miền Nam, còn 29 là số điện thoại của phòng qua tổng đài của Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Châu cho hay, mọi hoạt động thu chi được hạch toán, kế toán riêng, có các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn về giao dịch, thanh toán, kế toán và ngân quỹ - mỗi bộ phận chỉ có một người. 

Với tính chất công việc đặc biệt bí mật, B29 như một “binh đoàn tiền tệ”, theo nguyên tắc của hoạt động tình báo, chịu sự chỉ đạo và báo cáo đơn tuyến với cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Nhiều chỉ thị, mệnh lệnh được thực hiện bằng truyền miệng từ lãnh đạo cấp cao, không có văn bản ký duyệt. Mỗi cán bộ chỉ biết công việc của mình, không biết việc của người khác. B29 được xem là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong suốt 10 năm hoạt động, biên chế của B29 chỉ có hơn chục cán bộ, hoạt động dưới sự điều hành của ông Mai Hữu Ích (cố Phó Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam). Ngay khi mới thành lập, B29 đã có 3 đại diện thường trú dưới danh nghĩa khác tại Hồng Kông, Bắc Kinh và Paris.

Ông Lê Văn Châu khi đó là đặc phái viên của B29 dưới danh nghĩa Tùy viên Kinh tế Bộ Ngoại tại Bắc Kinh từ giữa năm 1967.

ngân hàng,chuyển tiền,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Hoạt động của B29 ở miền Bắc tuyệt đối bí mật, kịp thời nhanh chóng, chính xác và phải theo dõi, giám sát được lộ trình của dòng tiền chi viện cho tiền phương. Khâu vận chuyển tiền ở phạm vi phía Bắc với các nước bạn do B29 phụ trách thường sử dụng các phương tiện như đường sắt, liên vận quốc tế, các hãng hàng không… và những cán bộ chuyển ngân hoạt động như khách VIP đi công tác, các lộ trình đều tuyệt mật theo nguyên tắc đơn tuyến.

Những cán bộ vận chuyển từ nước ngoài về Hà Nội thường được trang bị hộ chiếu đỏ (hộ chiếu ngoại giao) mà các cán bộ khi đó gọi vui là “bùa hộ mệnh”, xách cặp “diplomat”, ngồi ở phòng VIP trước khi lên máy bay.

Mỗi chuyến vận chuyển tiền trong cặp thường có từ vài triệu đô la Mỹ tiền mặt. Lộ trình, phương tiện như vậy nhưng những trục trặc, bất trắc xảy ra trên đường khiến cán bộ chuyển và tổ chức nhiều phen hú vía, thót tim.

ngân hàng,chuyển tiền,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chuyển tiền vào miền Nam là hành trình tiếp theo bằng nhiều con đường khác nhau.

Trên đường bộ, việc đóng gói và vận chuyển do C100 - đơn vị vận tải của đoàn 559, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng phụ trách. Đến thời điểm hẹn C100 và B29 tiến hành các thủ tục, giấy tờ giao nhận, đóng thùng đặc chủng chở đi. Tiền được đóng trong hòm kẽm chống cháy, cho vào thùng gỗ ngụy trang chạy dọc theo đường Trường Sơn vào các chiến khu. 

“Để đảm bảo bí mật, người vận chuyển không biết là đang vận chuyển tiền. Hàng chục xe như vậy, không biết xe nào để tiền. Chỉ có chỉ huy của đơn vị mới biết, ngay cả trong B29 cũng chỉ có vài người biết”, ông Châu cho hay. Hàng trăm triệu đô la đã được đưa vào chiến trường bằng đường bộ. Đây là con đường rủi ro vì địch liên tục đánh phá ác liệt.

B29 sau đó có sáng kiến vận chuyển bằng con đường “sang trọng” đó là hàng không Air France của Pháp, quá cảnh sang Campuchia. Tiền được đặt trong “vali ngoại giao”, nhiều thì đóng vào các thùng ghi ngụy trang như đồ hộp xuất khẩu.

Cán bộ B29 bề ngoài đóng giả cán bộ ngoại giao, bay 3 tiếng đến Phnom Penh, từ đây mất thêm 3 tiếng nữa đi ô tô biển đỏ ngoại giao của sứ quán chạy đến chiến khu Tây Ninh giao cho cán bộ ở đó. 30 ngày đêm vận chuyển thông thường bằng đường bộ rút xuống còn 6 tiếng đồng hồ.

ngân hàng,chuyển tiền,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Sau khi bị "cúp" đường bay, lãnh đạo ngân hàng đã có sáng kiến chuyển phương thức thanh toán AM (tiền mặt) sang FM (chuyển khoản). AM và FM được tổ chức theo một guồng máy rất tinh vi, liên kết giữa hậu phương và tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế, vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối kinh điển của ngân hàng, vừa kết hợp những kỹ thuật quân sự, tình báo.

Phương thức này giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam đã rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút.

“Các mật hiệu AM, FM nhiều khả năng chỉ riêng có trong hoạt động ngân hàng thời kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam. Đây là cách làm độc đáo, sáng tạo, rất khó giải mã mà trên thực tế không có giáo trình nghiệp vụ nào dạy”, ông Châu cho biết.

Ông Châu khẳng định, suốt trong cả quá trình hoạt động 10 năm, số tiền chi viện cho miền Nam không bị mất một đồng và lại còn được nhân lên từ lãi kinh doanh tiền tệ.

Sau ngày 30/4/1975, B29 hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đạt được những kết quả vô cùng to lớn trong điều kiện hết sức khó khăn. Cụ thể, B29 đã tập trung, huy động được 678 triệu USD, trong đó đã chi viện cho miền Nam hơn 529 triệu USD từ năm 1965 đến 1975.

B29 đã góp phần chính yếu trong việc giữ vững “mạch máu” tài chính cho cuộc kháng chiến. Vì những thành tích và những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 9/6/2009, Quỹ ngoại tệ đặc biệt B29 và Ban Tài Chính đặc biệt N2683 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở tuổi 85, sức khỏe giảm sút, kỷ niệm cũng đã rơi rớt một phần, nhiều anh em đồng đội đã không còn, ông Lê Văn Châu quyết định dành 2 năm để ghi lại những hồi ức nhằm tri ân các đồng nghiệp năm xưa, đồng thời có nguồn tư liệu cho giới nghiên cứu và thế hệ trẻ tìm hiểu.

Như một mạch nguồn xuyên suốt thời gian, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục nỗ lực, tạo nên những huyền thoại mới trên con đường tiền tệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước hùng cường.

Theo Trần Thường - Thiết kế: Quốc Dũng - Ảnh: Tư liệu
Zing

Bài viết được tham khảo thêm từ cuốn sách “Huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ” của TSKH Lê Văn Châu
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com