Toggle navigation
0 Đồng và hệ luỵ
02/07/2018 | 01:30 GMT+7
Chia sẻ :
Các ngân hàng “không đồng” này có số tiền huy động hàng chục ngàn tỷ từ xã hội. Để khôi phục hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tiếp tục “bơm” thêm tiền để các ngân hàng hoạt động.


Ai chịu hậu quả từ ngân hàng “không đồng”

Đi vay để cho vay, có vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng, ngân hàng có thể huy động tiền gửi của xã hội thêm 19.000 tỷ đồng, tổng cộng ngân hàng có 20.000 tỷ đồng để hoạt động. Phần lớn số tiền huy động dùng để cho vay. Nếu ngân hàng không thu được nợ đã cho vay, sẽ không thể hoàn trả tiền cho người gửi tiền. Một ngân hàng không thể hoàn trả tiền gửi có thể gây mất lòng tin đến những người gửi tiền tại các ngân hàng khác. Nếu nhiều người gửi tiền cùng muốn rút tiền, thì kể cả các ngân hàng tốt cũng sẽ gặp khó khăn, có thể dẫn đến mất an toàn cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, toàn bộ nền kinh tế.

Nguy cơ cao từ hoạt động của ngân hàng với xã hội chính là lý do để các ngân hàng phải chịu ràng buộc bởi các luật lệ khắt khe: chủ ngân hàng phải có năng lực tài chính, người quản trị và điều hành ngân hàng phải có tiêu chuẩn về năng lực và đạo đức, hoạt động ngân hàng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc … Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước VN) luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng và có đủ quyền để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm.

Phải làm gì khi ngân hàng gặp khó khăn?

Khi một ngân hàng khó khăn có nguy cơ mất khả năng thanh toán, có nhiều cấp độ để xử lý tùy theo thực trạng ngân hàng và điều kiện thực tế.
Nếu ngân hàng chỉ gặp một số khó khăn trước mắt, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ như cho vay để đảm bảo khả năng thanh toán trong thời gian ngắn, sau đó sẽ cùng ngân hàng có các hành động khắc phục.

Nếu ngân hàng gặp khó khăn ở cấp độ cao hơn và không thể tự mình khôi phục được hoạt động, thông thường ở các ngân hàng này có hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến tài sản của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt ngân hàng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Ban kiểm soát đặc biệt sẽ trực tiếp giám sát và đưa ra các giải pháp cần thiết để khôi phục hoạt động của ngân hàng.

Cấp độ cao nhất, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt không thể thực hiện các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để khôi phục lại hoạt động, bị lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu. Lúc này số tiền thất thoát đã lạm vào tiền gửi của người gửi tiền. Nếu là một doanh nghiệp thông thường thì sẽ phải chấm dứt hoạt động (giải thể hay phá sản). Với một ngân hàng lỗ quá vốn chủ sở hữu, nếu chấm dứt hoạt động thì người gửi tiền có thể mất tiền. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đánh giá liệu chấm dứt hoạt động của ngân hàng này có gây tổn hại đến an toàn hệ thống ngân hàng hay không. Khi quá lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc mua cổ phần bắt buộc với ngân hàng thua lỗ.

Ai phải chịu hậu quả từ ngân hàng “không đồng”

Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện mua “không đồng” với 3 ngân hàng VNCB, Ocean Bank và GP Bank. Tại 3 ngân hàng này đều xảy ra những vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cổ đông lớn quản trị ngân hàng, sử dụng tiền ngân hàng cho các mục đích riêng, gây nên thua lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, có cả nguyên nhân từ chính các sai phạm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép, chuẩn y nhân sự, thanh tra, giám sát với các ngân hàng.

Các ngân hàng “không đồng” này có số tiền huy động hàng chục ngàn tỷ từ xã hội. Để khôi phục hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tiếp tục “bơm” thêm tiền để các ngân hàng hoạt động. Với việc các ngân hàng này trở thành thuộc sở hữu Nhà nước, người gửi tiền có thể lấy lại tiền của mình, quyền lợi của từng người gửi tiền cụ thể được đảm bảo, nhưng liệu có phải Nhà nước đã chịu trách nhiệm với hàng chục ngàn tỷ tiền gửi của các ngân hàng này thay cho các “ông chủ” ngân hàng vi phạm pháp luật, những người đã sử dụng, thậm chí chiếm đoạt tiền ngân hàng? Nếu Nhà nước chịu trách nhiệm về số tiền này, thiệt hại đã được chuyển cho toàn xã hội. Nguyên nhân quan trọng hơn, sự yếu kém của hoạt động cấp phép, thanh tra, giám sát ngân hàng đã không được làm rõ để xử lý tận gốc. Các vụ án hình sự tại 3 ngân hàng không đồng đã được xét xử chưa xem xét được nguyên nhân và hậu quả sâu xa này.

Ngay cả khi việc mua ngân hàng “không đồng” là cần thiết, việc xác định rõ nguyên nhân, người phải chịu trách nhiệm, hậu quả, chi phí mà xã hội phải chịu từ việc này một cách minh bạch là điều không thể bỏ qua, để tránh các vụ việc tiếp theo.

Công Tâm

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com