Toggle navigation
Biển Đông 21019: Tư Chính không bình yên
20/12/2019 | 09:04 GMT+7
Chia sẻ :
Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính là không thể chấp nhận.


Tình hình Biển Đông năm 2019 được nhắc đến nhiều với cái tên Tư Chính. Đây là 1 trong 6 bãi đá ngầm san hô với diện tích khoảng 700km2 thuộc thềm lục địa phía Nam, của Việt Nam. Khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh-Quốc phòng, giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải Quốc tế qua Biển Đông.


Từ tháng 10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1. Bãi ngầm Tư Chính nằm gần nhất các mỏ dầu chúng ta đang khai thác như Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng...



Từ đầu tháng 7 tới tháng 10/2019, Trung Quốc đã điều nhóm tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Động thái trên của Trung Quốc đã khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng bởi mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là quá rõ ràng.


Là chuyên gia phân tích chính trị, quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hàng đầu tại Trung tâm Wilson, Mỹ, Tiến sĩ Prashanth Parameswaran cho rằng, những gì Trung Quốc đã làm là “không có gì mới”. Thậm chí, Trung Quốc còn đang đi theo một mô-típ quen thuộc là “ném đá dò đường” trong tranh chấp ở Biển Đông.




Bắc Kinh đang tìm mọi cách để cản trở hoạt động thăm dò năng lượng của các quốc gia khác cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông thông qua các hoạt động gây hấn. Tiến sĩ Prashanth Parameswaran nhắc lại vụ việc hồi tháng 5/2019, khi Trung Quốc điều tàu Hải cảnh Haijing 35111 tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia, gồm một lô dầu khí được cấp phép cho công ty Sarawak Shell. Khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến khu vực này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích.


Cũng theo Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, những hành vi tương tự cũng được Trung Quốc thực hiện tại các khu vực mà nước này muốn gây sức ép với các nước láng giềng khác trên Biển Đông như Philippines và Việt Nam mà vụ bãi Tư Chính là một minh chứng rõ rệt nhất.


Cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Gregory Poling cho rằng: “Điều này chứng tỏ Bắc Kinh muốn cố gắng ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí và khí đốt đơn phương của các nước láng giềng ở bất kỳ đâu trong cái gọi là “đường 9 đoạn”. Khi các bên đứng lên chống lại hành vi đó và kiên quyết tiếp tục hoạt động thương mại của họ thì Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rút lui và thử lại vào một lần khác”.


Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, hành động này chứng tỏ Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế: “Vụ việc xảy ra lần này đã củng cố thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc không tuân phủ các quy định quốc tế. Nước này muốn hoạt động theo cách riêng và cũng muốn diễn giải pháp luật theo ý mình”.


Trước những hành vi sai trái của Trung Quốc trong vụ bãi Tư Chính, Việt Nam đã có những phản ứng kịp thời và kiên quyết. Cụ thể, ngay khi có thông tin nhóm tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng khẳng định: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.



Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung.



Quan điểm đúng đắn của Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhiều quan chức, chuyên gia, học giả từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Philippines… đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích gay gắt những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.


Đáng chú ý, một loạt các quan chức hàng đầu của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, các Thượng Nghị sĩ James Risch, Bob Menedez và Mitt Romney, Hạ Nghị sĩ Ted Yoho, Trợ lý ngoại trưởng David Stilwell hay Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đều đã lên án hành vi “đe dọa các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông” và yêu cầu “Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động sai trái”.


Trong khi đó, nhiều chuyên gia có uy tín trên thế giới nhận định, ngay cả khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và tìm mọi cách để hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông, nước này cũng khó đạt được mục đích của mình. Điều này cho thấy, Việt Nam đã nêu bật được tính chính nghĩa của mình trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông mà đặc biệt là trong vụ bãi Tư Chính.


Có thể nói, yếu tố pháp lý chính là “tử huyệt” của Trung Quốc và tuyên bố ngang nhiên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 18/9, rằng Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán tại quần đảo Nam Sa (trên thực tế là quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước kế cận bãi Tư Chính dù được đánh giá là để “mở đường” cho những hành vi sai trái tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc “sai lại càng sai” khi muốn hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.



Chính vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cùng với việc nêu cao tính đúng đắn về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng nên công khai những hành vi sai trái của Trung Quốc trong khu vực để thế giới hiểu hơn về tính chính nghĩa và sự tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế của Việt Nam.


Giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ khuyến nghị: “Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và tôi tin chắc rằng, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy giải quyết những vấn đề trong khu vực có tác động tới Việt Nam và các quốc gia trong khối vì lợi ích chung. Việt Nam cần nêu bật được khả năng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế”.


Cũng theo Giáo sư Short, một khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình bởi khi đó, các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt hơn khiến Trung Quốc ít nhiều phải chùn bước./.


Thực hiện: Trần Khánh 

Thiết kế: Hà Phương 

Kỹ thuật: Tuấn Linh

VOV.vn

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com